12/02/2020 14:03
|
Dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có đồng chí Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực UBQG CPĐT; các thành viên UBQG CPĐT, các thành viên Ban Chỉ đạo CPĐT của các bộ...
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Trần Thị Nga - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc về chính quyền điện tử tỉnh.
Theo đánh giá, năm 2019, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử gắn kết với cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính đã đạt được một số kết quả tích cực. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đã đi vào nền nếp, cả nước đến nay đã có 55/63 địa phương tổ chức Trung tâm Phục vụ hành chính công; tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ đạt 95.8%.
Các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đã được rà soát, cắt giảm 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh của hầu hết các bộ, ngành; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa vào khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Các hệ thống có ý nghĩa lớn trong triển khai chính phủ điện tử như Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia trong thời gian ngắn triển khai đã có những thành quả khích lệ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2020, UBQG CPĐT đề nghị bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục phát huy vai trò người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo, huy động, ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử; tập trung hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm khả năng đồng bộ trạng thái hồ sơ; thực hiện nghiêm việc gửi, nhận văn bản trên Trục liên thông văn bản quốc gia bảo đảm đầy đủ nội dung, thẩm quyền, thể thức, được ký số và xác thực theo quy định; khẩn trương thực hiện việc số hóa các báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, địa phương và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; hoàn thành việc xây dựng các nghị định làm nền tảng triển khai chính phủ điện tử; tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống và tích hợp đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng...
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng chính phủ điện tử; khả năng đột phá xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam rất cao. Tuy nhiên, việc xếp hạng trong việc xây dựng chính phủ ở nước ta chưa cao; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp; hạ tầng cơ quan nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu; còn tình trạng để mất an toàn mạng...
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong thời gian đến tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược xây dựng chính phủ điện tử; hoàn thiện thể chế xây dựng chính phủ điện tử; đảm bảo nguồn tài chính cho chính phủ điện tử; người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải am hiểu về chính phủ điện tử; đổi mới sắp xếp, tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các bộ, ngành, địa phương hàng năm dành một nguồn ngân sách trong việc đào tạo nguồn nhân lực chính phủ điện tử; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính phủ điện tử...
Văn Nhiên