UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 7: Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ sản phẩm

26/07/2017 17:45

Chiều 26/7, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 7, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh. Đồng chí Nguyễn Đức Tuy - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

Dự phiên họp có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lê Ngọc Tuấn, Trần Thị Nga và các Ủy viên UBND tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Đức Tuy phát biểu tại phiên họp

 

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong tháng 7 đạt kết quả tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Sản xuất vụ mùa 154.328ha, đạt 96,4% kế hoạch, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm tăng 19,05% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp sản xuất chế biến và phân phối điện tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ ước đạt 8.552,9 tỷ đồng, tăng 7,78% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm 1.301 tỷ đồng, đạt 70,4% kế hoạch dự toán địa phương giao và bằng 121% so với cùng kỳ.

 Phiên họp đã tập trung thảo luận, làm rõ hơn về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tháng và các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2017; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm; các phương án phòng chống lũ bão, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện; công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực như đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình xây dựng cơ bản….

Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Đức Tuy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn chung của cả nước và khu vực, nhưng tăng trưởng của tỉnh trong 7 tháng đầu năm 2017 vẫn đạt mức tăng cao. Điều này đã khẳng định hướng đi đúng của tỉnh trong lựa chọn các ngành, các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, có một số chỉ tiêu đề ra trong năm 2017 vẫn còn đạt thấp; nhiều vấn đề về an toàn giao thông, an ninh nông thôn vẫn còn nhiều phức tạp… Do đó, các sở, ngành, địa phương cần có sự nhìn nhận sát thực, cụ thể đối với những tồn tại hạn chế, để có hướng giải quyết kịp thời.

Về các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu trên lĩnh vực nông nghiệp cần tập trung lực lượng bảo vệ an toàn đàn gia súc, không để xảy ra dịch bệnh. Trong công tác phòng chống mưa lũ, phải tổ chức diễn tập, triển khai các phương án “4 tại chỗ”, bảo đảm an toàn hồ đập;  rà soát lại các điểm sạt lở để có kế hoạch di dời. Xung quanh vấn đề liên kết, chuỗi giá trị, ngành nông nghiệp phối hợp với ngành công thương tổ chức cho doanh nghiệp ký kết liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác. Về công tác quản lý bảo vệ rừng, cần triển khai nhanh Đề án phát triển rừng bền vững theo Nghị quyết HĐND tỉnh.

Bên cạnh đó, đồng chí yêu cầu tiếp tục tăng nguồn thu ngân sách; đẩy  mạnh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản; tập trung vào các nhóm vấn đề  tăng cường công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, khoáng sản; an toàn giao thông; chăm sóc sức khỏe nhân dân trong mùa mưa lũ; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng hỗ trợ góp phần giảm bớt khó khăn về đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

LS

Chuyên mục khác