Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng cháy, chữa cháy rừng

16/04/2024 20:27

Là một trong những yêu cầu của UBND tỉnh tại văn bản số 1297/UBND-NNTN ban hành ngày 16/4 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Dừng ngay các hành vi dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng. Ảnh: HL

 

Văn bản 1297/UBND-NNTN nêu rõ, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố coi PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. 

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt rẫy. Dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong PCCCR; thực hiện tốt công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ phát triển rừng.

Tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng. Ảnh: HL

 

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án (kể cả các dự án bắt đầu cho chủ trương khảo sát) có chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thực hiện các dự án để vi phạm Luật Lâm nghiệp, gây thiệt hại lớn về rừng, ảnh hưởng môi trường sinh thái. 

Thực hiện nghiêm việc phân công, phân cấp trách nhiệm trong quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng nâng cao vai trò trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả hơn và chịu trách nhiệm chính đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

UBND cấp huyện, cấp xã, các đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Đảm bảo phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.

Rà soát, lập danh sách các khu rừng có nguy cơ cháy cao, đặc biệt chú trọng các khu rừng có lớp vật liệu cháy lớn trong rừng; bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người ra vào. Tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại những khu vực có mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên.

Tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra. Có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Hồng Lam

Chuyên mục khác