04/11/2021 14:14
|
Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh U Huấn; Nguyễn Ngọc Sâm - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thao Hồng Sơn - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu ở 63 điểm cầu trong cả nước đã được Quốc hội giới thiệu khái quát về tình hình triển khai Chương trình giám sát năm 2021, các giải pháp để triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, thảo luận giải pháp để triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát năm 2022; trao đổi những vướng mắc, bất cập trong triển khai 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương.
Trong đó, Quốc hội tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát đáp ứng các yêu cầu đổi mới trong hoạt động giám sát trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là đối với hoạt động giám sát chuyên đề. Các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động xem xét các báo cáo; công tác triển khai hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn năm 2022. Đề xuất các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban; tăng cường hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật, việc thực hiện các kiến nghị giám sát thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Theo đó, năm 2022, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét các báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong đó, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” và “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao các chuyên đề đưa vào Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội rất đúng và trúng với yêu cầu của sự phát triển đất nước. Trong đó, việc quy hoạch tổng thể đất đai của quốc gia đảm bảo pháp luật và đi trước một bước; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là rất quan trọng trong tình hình dịch Covid-19 đang còn phức tạp và kéo dài. Đồng thời yêu cầu, trong quá trình giám sát, các đoàn giám sát của Quốc hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham gia đầy đủ theo yêu cầu của Luật Giám sát, lắng nghe ý kiến của nhân dân, của các nhà khoa học, không gây phiền toái với cơ sở, cần giữ bí mật trong quá trình giám sát. Các thành viên của các đoàn giám sát phải có bản lĩnh, thẳng thắn, trung thực với tinh thần xây dựng, luôn phát hiện những mô hình hay, những cá nhân tiêu biểu để khen thưởng kịp thời và nhân rộng trong cả nước học tập.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Các đoàn giám sát của Quốc hội cần phối hợp chặt chẽ với HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các tỉnh để làm tốt công tác giám sát. Đối với các bộ, ngành Trung ương, cần cung cấp đầy đủ thông tin để tạo điều kiện cho các đoàn giám sát hoàn thành nhiệm vụ. Đối với Kiểm toán nhà nước cần cung cấp cho các đoàn giám sát những báo cáo chuyên đề sát thực. Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh cần có kinh phí để tổ chức giám sát tốt hơn. Các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương cần tham gia sâu rộng vào công tác giám sát của Quốc hội để vừa tham gia thông tin các hoạt động của Quốc hội, vừa phát hiện các vấn đề bức xúc của xã hội để cùng với Quốc hội làm tốt công tác giám sát. Trong quá trình giám sát, các đoàn giám sát của Quốc hội có báo cáo tiến độ, thường xuyên giao ban nội bộ để có điều chỉnh hợp lý những phát sinh trong quá trình giám sát để báo cáo Quốc hội có hướng giải quyết thỏa đáng.
Trần Văn Phúc