Triển khai nhiệm vụ trọng tâm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

18/10/2022 20:02

Chiều 18/10, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2025 tổ chức phiên họp thứ 2 nhằm đánh giá kết quả thực hiện các chương trình MTQG và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm 2022. Phiên họp được kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ trì phiên họp.

Dự họp tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025, các thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư- cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021- 2025, đến nay, 63/63 địa phương đã kiện toàn ban chỉ đạo cấp tỉnh; 27/63 địa phương báo cáo có quy định về thành lập ban chỉ đạo cấp huyện; 13/63 địa phương báo cáo hoàn thành việc kiện toàn, thành lập các ban quản lý cấp xã.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện văn bản, đẩy nhanh giao kế hoạch vốn, giải ngân, tiến độ thực hiện các chương trình MTQG.

Đến nay, 52/52 địa phương (được giao vốn ngân sách Trung ương) đã có quyết định giao kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình MTQG cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc.

Tính đến hết tháng 9, tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện các chương trình MTQG đã giải ngân ước khoảng 926,831 tỷ đồng, đạt khoảng 3,86% kế hoạch. Một số địa phương sau khi hoàn tất công tác giao vốn đã tập trung triển khai thực hiện và có kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngần sách Trung ương đạt khá như: Tây Ninh (74,55%); Lạng Sơn (26,1%); Hậu Giang (21,5%).

46/63 tỉnh đã cân đối, bố trí 13.808,776 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương thực hiện các chương trình MTQG.

Đến nay, cả nước có 5.854/8.225 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 71,2% trong tổng số xã. Trong đó, có 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 925 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã.

Tại phiên họp, các ngành, địa phương tiến hành báo cáo, làm rõ thêm về những kết quả đã làm được trong 9 tháng đầu năm 2022; trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất những kiến nghị, giải pháp đối với Chính phủ, các cơ quan chức năng nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình MTQG trong thời gian đến.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TH

 

Tại phiên họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp báo cáo về tình hình thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh ta.

Theo đó, đến nay, Kon Tum đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021-2025, ban hành Quy chế hoạt động Chương trình công tác năm 2022 phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo; tiếp tục duy trì Văn phòng điều phối nông thôn mới cấp tỉnh, cấp huyện; thành lập ban quản lý xã, ban giám sát cộng đồng, ban phát triển thôn ở các xã.

Tỉnh cũng đã tiến hành phân bổ, giao dự toán ngân sách Trung ương cho các sở, ngành và địa phương, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Đến ngày 15/10/2022, toàn tỉnh đã giải ngân được 10,601 tỷ đồng, đạt 1,2% dự toán Trung ương giao. Các đơn vị, địa phương đã cân đối, sắp xếp được khoảng 60,484 tỷ đồng để đối ứng, lồng ghép thực hiện các chương trình MTQG...

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị từ nay đến cuối năm 2022, các bộ, ngành tập trung hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện thuộc trách nhiệm của ngành, lĩnh vực quản lý. Các cơ quan chủ quản đề xuất các giải pháp lồng ghép nguồn vốn của 3 chương trình MTQG để tránh chồng chéo, lãng phí; đồng thời, tập trung quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước còn lại chưa phân bổ của giai đoạn 2021-2025.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong việc triển khai phân bổ, giải ngân nguồn vốn của các chương trình MTQG; đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các dự án đã được phê duyệt; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chương trình thông qua hoạt động chỉ đạo điều hành của ban chỉ đạo các cấp để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đề ra giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

Thùy Hương

Chuyên mục khác