09/01/2022 13:10
Dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ Công thương và các bộ, ngành Trung ương.
|
Tại điểm cầu Kon Tum có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Công thương và các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở Công thương.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ Công thương cho biết, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19; nhưng ngành Công thương đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu, đẩy mạnh xuất nhập khẩu và đạt được những kết quả quan trọng, tích cực.
Theo đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng và duy trì với mức tăng trưởng gần 5%, cao hơn cùng kỳ năm 2020. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục khẳng định vai trò động lực cho tăng trưởng của toàn ngành Công thương, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Hoạt động xuất, nhập khẩu có sự tăng trưởng ngoạn mục, trở thành điểm sáng của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Qua đó, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Trong đó, xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục, tăng trên 19%, vượt 15% so với kế hoạch; duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư khoảng 4 tỷ USD.
Cung cầu hàng hóa được bảo đảm, chuỗi cung ứng trong và ngoài nước cơ bản được giữ vững. Thương mại điện tử phát triển mạnh, trở thành động lực tăng trưởng mới, góp phần quan trọng trong việc chống đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu.
Công tác quản lý, đảm bảo trật tự thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa được củng cố.
Trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện xử lý 41.375 vụ vi phạm; ước thu nộp ngân sách gần 430 tỷ đồng (xử phạt vi phạm hành chính gần 244 tỷ; ước tiền bán hàng hóa, phương tiện vi phạm bị tịch thu trên 186 tỷ đồng).
Công tác quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ được triển khai đồng bộ, toàn diện. Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được tăng cường; phát huy hiệu quả thực thi các Hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh dịch Covid-19…
Năm 2022, ngành Công thương xác định là năm có ý nghĩa rất quan trọng, được xác định là năm bản lề, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm (2021-2025). Nhận diện rõ những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức; ngành Công thương đề ra các chỉ tiêu chỉ yếu: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-8 %; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 7-8%; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 7,88%; điện thương phẩm tăng 7,1 -9,1%.
Tại Hội nghị, các bộ, ngành và địa phương tập trung thảo luận, làm rõ thêm về những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, đảm bảo trật tự thị trường trong năm qua. Đồng thời, đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu mà ngành Công thương đề ra trong năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao nỗ lực vượt khó của ngành Công thương trong năm 2021 để đạt được kết quan trọng với nhiều điểm sáng về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu…
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị, trong năm 2022, ngành Công thương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 quy hoạch lớn của ngành là quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến các loại khoáng sản Việt Nam và quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia. Tập trung bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp, kịp thời để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường. Bám sát diễn biến thị trường, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu, triển khai có hiệu quả các các Chương trình hành động thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường truyền thống; giải quyết dứt điểm các điễm nghẽn trong xuất khẩu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng ùn ứ. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa, phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả xu hướng số hóa nền kinh tế .
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, ngành Công thương cần tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng, phòng vệ thương mại... bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.
Thùy Hương