Triển khai Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

03/11/2021 14:48

Sáng 3/11, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (viết tắt là Kết luận số 19-KL/TW).
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum. Ảnh: TVP

 

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy; U Huấn - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nghe Minh Hồng - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thao Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu ở 63 điểm cầu trong cả nước đã nghe Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng quán triệt, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo tổng quan về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và dự kiến kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW; đại diện Chính phủ trình bày tham luận về “Dự kiến kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (viết tắt là Đề án); đại diện một số cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, địa phương tham luận về Đề án.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở Đề án do Đảng đoàn Quốc hội xây dựng ngày 1/10/2021, ngày 14/10/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW và nêu rõ: Mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Kế thừa các thành tựu lập pháp của giai đoạn trước, Quốc hội khóa XIV đã tiếp tục đẩy mạnh công tác lập pháp, tập trung xây dựng và ban hành số lượng lớn văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Cụ thể, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành tổng số 126 luật, pháp lệnh, nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật; trong đó, có những đạo luật giữ vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật, có những luật, chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn…

Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý cho sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước; là một trong những yếu tố quan trọng mang tính quyết định giúp đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần thực hiện mục tiêu đưa nước ta cơ bản sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phát huy những thành quả to lớn đó của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và dự báo tình hình kinh tế - xã hội có tác động đến công tác lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội đã xác định mục tiêu, quan điểm chỉ đạo đối với công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV với 8 nhóm định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể cần tập trung thực hiện, 137 nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu, rà soát để báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, nghị quyết trong nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, đề ra 3 nhóm giải pháp cụ thể, bao gồm: Tăng cường năng lực cho các chủ thể tham gia quy trình lập pháp; tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật.

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Với Kết luận số 19-KL/TW, quan điểm xây dựng pháp luật có sự thay đổi căn bản, xác định trọng tâm là bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp thay vì phục vụ cho công tác quản lý nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đề ra giải pháp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm đất nước phát triển nhanh, bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới, Quốc hội yêu cầu phải làm tốt tất cả các khâu trong xây dựng pháp luật, thận trọng, chặt chẽ, không chạy theo số lượng, mà phải bảo đảm yêu cầu sát với thực tiễn. Việc Đề án do Đảng đoàn Quốc hội chuẩn bị được Bộ Chính trị thông qua thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tính chủ động, tích cực trong việc khẩn trương thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Có thể khẳng định, Đề án là cơ sở chính trị pháp lý quan trọng nhằm góp phần thực hiện đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra; đồng thời, tiếp tục đề cao vai trò chủ động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp của Quốc hội.

Trần Văn Phúc

                                                                                               

Chuyên mục khác