06/03/2018 16:55
|
Hội nghị kết nối trực tuyến với sự tham dự của Ban chỉ đạo cấp huyện thực hiện Quyết định 1956 ở 10 huyện, thành phố.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về thực hiện Quyết định 1956, năm qua, các địa phương đã phối hợp cơ quan thường trực (Sở Lao động Thương binh và Xã hội) triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thông qua việc tham mưu các cấp ban hành các văn bản triển khai nhiệm vụ liên quan.
Các đơn vị thường trực tham mưu Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra các khâu khảo sát, tư vấn, đăng ký nhu cầu đến khâu tổ chức đào tạo. Theo đó, kết quả cuối năm 2017, tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề là 2.315 người, đạt gần 78% so với kế hoạch giao; đồng thời phối hợp các sở ngành khác đào tạo, bồi dưỡng 877 cán bộ, công chức xã, tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện 8,6 tỷ đồng.
Tại hội nghị, đại diện các điểm cầu trực tuyến 10 huyện và thành phố Kon Tum cũng nêu một số tồn tại chưa đạt kế hoạch đề ra như: Công tác tuyên truyền đào tạo nghề cho lao động cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên, chưa có sức lan tỏa để nhân dân biết, hưởng ứng theo chỉ tiêu đề ra. Một số địa phương còn bị động trong việc triển khai kế hoạch đào tạo nghề nông thôn, chưa đưa ra các giải pháp chủ động khắc phục những khó khăn, nhất là kinh phí phân bổ từ tỉnh về chưa kịp thời, dẫn đến tổ chức đào tạo dồn dập vào các tháng cuối năm. Nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn có xu hướng giảm dần, nhu cầu học nghề luôn thay đổi so với khảo sát đầu năm dẫn đến tình trạng khó tuyển sinh để tổ chức đào tạo, tỷ lệ bỏ học giữa chừng cao gây nhiều khó khăn cho các cơ sở đào tạo...
Năm 2018, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn được phê duyệt 3.300 chỉ tiêu và đào tạo, bồi dưỡng 2.005 cán bộ công chức xã. Tổng kinh phí thực hiện tất cả công tác đào tạo liên quan trên là 9,49 tỷ đồng.
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Trần Thị Nga lưu ý, thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động năm qua chỉ đạt gần 78% chỉ tiêu giao, trong đó một số địa phương đạt chỉ tiêu thấp cần rút kinh nghiệm, có giải pháp triển khai công tác khảo sát, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong các năm tới tích cực hơn.
Đồng thời căn cứ kế hoạch 2018, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, các sở, ngành liên quan phối hợp các đơn vị, địa phương nghiên cứu, đề xuất tham mưu giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu về dạy nghề cho lao động nông thôn đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh; triển khai thực hiện các Quyết định số 209/QĐ-UBND và 1258/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt, sửa đổi, bổ sung đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh; khẩn trương phối hợp với các địa phương thực hiện việc điều tra khảo sát toàn diện nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn tỉnh; chủ động hướng dẫn nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp hàng năm và từng giai đoạn cho các huyện, thành phố bảo đảm cân đối chung theo định hướng phát triển của ngành nông nghiệp và sát với nhu cầu đào tạo lao động theo ngành, nghề của chương trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp; các đơn vị địa phương chỉ đạo gắn kết hoạt động khuyến nông với hoạt động đào tạo nghề, tổ chức nhân rộng mô hình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn...
Tin, ảnh: Mai Trâm