Triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm 6 tháng cuối năm 2019

01/08/2019 17:31

Chiều 1/8, Ban chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo ATTP 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh chủ trì hội nghị.
Đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TH

 

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố là thành viên Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên Đán và mùa lễ hội xuân, Tháng hành động vì ATTP năm 2019; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP được thực hiện kịp thời, đúng theo quy định của pháp luật, công bố công khai các cơ sở vi phạm về ATTP. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã tăng cường tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành quy định về ATTP của người dân và các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm; đẩy mạnh thực hiện phòng chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Nhờ đó, vấn đề vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện có hiệu quả. Trong 6 tháng đầu, trên địa bàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm từ 30 người mắc trở lên; số ca ngộ độc thực phẩm mắc lẻ tẻ là 83 ca do ăn uống không bảo đảm vệ sinh.

Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATTP 6 tháng qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ nhiều, rải rác, phân bố trong khu dân cư; các cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật chưa được quy hoạch, bố trí phù hợp và theo đúng quy định gây khó khăn trong công tác quản lý; một số cơ sở giáo dục có tổ chức bếp ăn tập thể thuộc quyền quản lý của UBND các huyện, thành phố chưa được đầu tư đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Triển khai công tác 6 tháng cuối năm, Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường thông tin, truyền thông về ATTP cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm, đánh giá các chỉ tiêu ATTP và tổ chức thanh tra, kiểm tra theo trọng điểm trên cơ sở đánh giá, phân tích nguy cơ ATTP; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là với các cơ sở vi phạm nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng; các cấp, các ngành và các địa phương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác quản lý ATTP nhằm giúp việc giám sát, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm được nhanh chóng, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng mô hình chợ đảm bảo ATTP; tiếp tục triển khai mô hình thí điểm các chuỗi cung ứng sản phẩm rau an toàn; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở giáo dục có tổ chức bếp ăn tập thể…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Thị Nga yêu cầu: Các sở, ngành và các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh về vấn đề an toàn thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý những vi phạm quy định về ATTP, nhất là đối với mặt hàng thịt lợn. Ngành giáo dục phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương chú trọng đảm bảo ATTP tại các bếp ăn của các trường học, chú ý sử dụng nguồn thực phẩm an toàn tại chỗ do người dân cung cấp.

Đồng chí Trần Thị Nga cũng lưu ý, đối với các huyện, thành phố đang có dịch tả lợn Châu Phi cần kiện toàn, củng cố các chốt chặn, kiểm tra, xử lý đối với hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn nhằm hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh…

Thùy Hương

 

 

 

 

 

 

Chuyên mục khác