Triển khai chương trình OCOP và phát triển du lịch nông thôn

09/09/2022 12:45

Sáng 9/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025. Đồng chí Lê Minh Hoan- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh. Ảnh: TH

 

Dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và các cơ quan trực thuộc Bộ NN&PTNT.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sau hơn 4 năm triển khai Chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được các địa phương thực hiện đồng bộ và mang lại hiệu quả cao.

Đến nay, cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1 % sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2 % sản phẩm 5 sao; hơn 4.351 chủ thể OCOP, trong đó có 38,3% là hợp tác xã, 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Chương trình OCOP tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Đặc biệt, thông qua Chương trình, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. Cả nước hiện có 65 sản phẩm OCOP được đánh giá và công nhận thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Triển khai Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT xác định: Chương trình OCOP tiếp tục là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc khó khăn. Chương trình phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống của người dân nông thôn, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn.

Tại Hội nghị, các ngành, các địa phương tích cực trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình OCOP thời gian qua; đồng thời đưa ra kiến nghị, giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP và phát triển du lịch nông thôn trong giai đoạn 2021- 2025.

Tại tỉnh ta, Chương trình OCOP được tổ chức thực hiện tương đối đồng bộ. Đến nay, toàn tỉnh có 157 sản phẩm OCOP của 83 chủ thể được công nhận từ 3 sao trở lên. Sản phẩm OCOP bước đầu đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Các địa phương đã thấy được lợi thế, cơ hội để phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh vai trò quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn; khẳng định đây thực sự là cuộc cách mạng trong nông nghiệp, nông thôn để xây dựng nông thôn trở thành nơi đáng sống, đáng trở về. Việc thực hiện 2 chương trình OCOP và phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-  2025 nhằm tiếp tục khơi dậy tiềm năng, lợi thế, giá trị văn hóa để tạo không gian phát triển kinh tế, giá trị cố kết cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Mục tiêu đặt ra là đến hết giai đoạn, cả nước không chỉ có bao nhiêu xã nông thôn mới hay xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu mà chúng ta còn tự hào là có bao nhiêu di sản nông thôn được hình thành, bảo tồn, phát triển và mời gọi du khách đến để giới thiệu, quảng bá về những di sản ấy.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan lưu ý, việc triển khai các chương trình cần linh hoạt, phù hợp với từng địa địa phương theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của từng nơi, từng vùng. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo dấu ấn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Và, đây là nhiệm vụ của tất cả các ngành, địa phương và mỗi người dân.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP quốc gia cho các chủ thể. Ảnh: TH

 

Nhân dịp này, Bộ NN&PTNT trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP quốc gia cho 20 sản phẩm của 12 chủ thể thuộc 11 tỉnh/thành phố được xếp hạng 5 sao. Trong đó, tỉnh Kon Tum có 1 sản phẩm là Cà phê rang xay Darmark của Công ty TNHH MTV cà phê Nguyên Huy Hùng (huyện Đăk Hà).

Thùy Hương

Chuyên mục khác