08/07/2022 10:18
|
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI) thông qua Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Ngày 28/11/2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngày 27/3/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Mục tiêu đổi mới được Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”.
Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện, giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kỹ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.
Chương trình GDPT tổng thể được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/20218. Chương trình GDPT 2018 gồm chương trình giáo dục cấp tiểu học, THCS và THPT; trong đó có chương trình tổng thể (khung chương trình), các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.
|
Tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XII (diễn ra trong 2 ngày 7-8/7/2022), bà Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và một số đại biểu HĐND tỉnh đang công tác trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh bày tỏ băn khoăn, trăn trở về việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua (năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2, 6). Trong đó, UBND tỉnh cần phân tích, đánh giá đầy đủ, thực chất về kết quả đạt được (về chất lượng giáo dục hai mặt; chương trình sách giáo khoa; năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học...) và những khó khăn, vướng mắc nhằm tháo gỡ kịp thời; đồng thời có định hướng cho những năm kế tiếp, đặc biệt đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Bà Phạm Thị Trung cho rằng, Chương trình GDPT 2018 chưa có tiền lệ và được tiến hành đổi mới sâu sắc, toàn diện, chuyển đổi về cách tiếp cận, định hướng và triết lý nên việc sơ kết hai năm thực hiện là thực sự cần thiết nhằm rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra những giải pháp cụ thể để tiếp tục chuẩn bị triển khai trong năm học 2022-2023 đối với lớp 3, 7, 10. Trong đó có việc chú trọng đến đảm bảo số lượng đội ngũ giáo viên của các trường trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là trong quá trình sáp nhập mạng lưới trường, lớp tại một số địa phương và đối với bộ môn tự chọn lớp 10 trong năm học tới (môn Âm nhạc và Mỹ thuật đòi hỏi một số lượng lớn về đội ngũ giáo viên chuyên ngành). Ngoài việc đảm bảo về mặt số lượng, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực CNTT, phương pháp dạy học mới theo hướng dạy học phát triển năng lực, kỹ năng dạy học thực hành, trải nghiệm..., nhất là năng lực dạy học tích hợp cho giáo viên dạy tổ hợp môn tự nhiên-xã hội.
Theo bà Phạm Thị Trung, thực tế cho thấy, qua năm học vừa qua đã bộc lộ rất nhiều mặt hạn chế. Một vấn đề đặt ra là việc cho phép học sinh được chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp là một bước tiến của chương trình GDPT 2018, phân hóa dần ở bậc phổ thông. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra cho các trường “bài toán” khó trong khâu tuyển sinh, cũng như nguy cơ xảy ra tình trạng giáo viên môn này quá tải, còn giáo viên môn khác không có việc làm. Trước sự bất cập này, UBND tỉnh cần có định hướng cụ thể, rõ ràng để các trường THPT thực hiện có hiệu quả vào năm học tới.
Mặt khác, việc đổi mới chương trình giáo dục tại các bậc học được thực hiện theo lộ trình từng năm; vì vậy việc mua sắm trang thiết bị dạy và học cũng thực hiện theo lộ trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa nhằm đảm bảo việc thực hiện chương trình GDPT mới hiệu quả. Do đó, đề nghị UBND tỉnh cần quan tâm, đẩy nhanh tiến độ trong việc mua sắm trang thiết bị dạy học trong thời gian tới, vì năm học 2022-2023 đã là năm thứ ba thực hiện gần như đồng bộ chương trình GDPT 2018.
Quang Định