Trách nhiệm với dân

30/09/2015 13:22

Các ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh đã tích cực, trách nhiệm, tham gia trên các lĩnh vực hoạt động, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ là người đại biểu của nhân dân, được cử tri của tỉnh Kon Tum tin yêu, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình...

Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND tỉnh những năm qua đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức. Trách nhiệm với nhân dân, các đại biểu Quốc hội và HĐND đã phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, đồng thời tích cực tác động các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết những vấn đề “nóng” của mọi mặt đời sống xã hội. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy cử tri trên địa bàn tỉnh ghi nhận và đánh giá cao vai trò, vị trí và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri xã Đăk Nên (huyện Kon Plông). Ảnh: Quang Định

 

 Tâm sự với chúng tôi, ông A Sơn - một người dân ở xã Đăk Rơ Ông (huyện Tu Mơ Rông) cho biết, trong một lần tiếp xúc cử tri với Đoàn ĐBQH tỉnh, người dân phản ánh việc đường dây điện bị hư hỏng nên một số hộ dân không có điện sinh hoạt. Đồng chí Y Mửi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo Sở Công thương trả lời cho cử tri, đồng thời nhanh chóng giải quyết nguyện vọng chính đáng của dân. Kiến nghị việc này vào chiều hôm trước, sáng hôm sau ngành Điện lực đã đến sửa chữa đường dây, buổi chiều chúng tôi có điện để sinh hoạt...

Tương tự như trường hợp của cử tri A Sơn, trong một lần đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum), cử tri là cán bộ y tế xã phản ánh chế độ phụ cấp đã ban hành gần 2 năm nhưng chưa được nhận. Ngay lập tức, đồng chí Nguyễn Văn Hùng (khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh) đã yêu cầu lãnh đạo Sở Y tế  kiểm tra và sớm trả lời kiến nghị của cử tri.

Phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh sau đợt tiếp xúc cử tri đó vài ngày cũng “nóng” lên về vấn đề này. Lãnh đạo Sở Y tế trả lời chất vấn đại biểu, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc thiếu kiểm tra, giám sát, nhận thiếu sót với cử tri vì đã để xảy ra sự việc trên và đã nhanh chóng giải quyết chế độ phụ cấp cho đội ngũ y tế cán bộ xã Đăk Rơ Wa.

Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, các vị đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh đã thể hiện trách nhiệm cao cả mà nhân dân trong tỉnh tin tưởng giao phó. Với các đại biểu Quốc hội, đồng chí Y Mửi chia sẻ: Kế thừa, phát huy những thành quả, bài học kinh nghiệm hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh các khoá trước, từ đầu nhiệm kỳ khoá XIII đến nay, các vị ĐBQH trong Đoàn ĐBQH tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, tiếp tục đổi mới về phương thức hoạt động, khắc phục những khó khăn, thực hiện đầy đủ chức năng và nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các ĐBQH tỉnh đã tích cực, trách nhiệm, tham gia trên các lĩnh vực hoạt động, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ người ĐBQH, gương mẫu nơi công tác và cư trú, được cử tri của tỉnh Kon Tum tin yêu, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình với đại biểu.

Theo đồng chí Y Mửi, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan khác trên địa bàn tỉnh tổ chức cho các vị ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri tại 173 điểm thuộc 102/102 xã, phường, thị trấn; 10 trung tâm huyện, thành phố; cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan cấp tỉnh; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh, có khoảng 14.450 lượt cử tri tham dự với thành phần gồm đại diện cấp ủy, chính quyền, mặt trận của địa phương và cử tri nơi tiếp xúc cử tri.

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp và đề nghị Trung ương quan tâm giải quyết. Đồng chí Tô Văn Tám - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chuyển tới 19 cơ quan, tổ chức ở Trung ương 128 ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum trên tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh mà cử tri quan tâm; bao gồm các nhóm vấn đề: chính sách đối với dân tộc miền núi và với hộ nghèo; chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; chính sách bảo trợ xã hội; chính sách người có công với cách mạng; chính sách về các chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các công trình thuỷ điện; chính sách đổi mới, phát triển tại các nông lâm trường quốc doanh; địa giới hành chính...  

Sau khi chuyển các ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum đến cơ quan, tổ chức ở Trung ương thông qua Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh thường xuyên theo dõi, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị trên của cử tri. Vấn đề nào chậm được giải quyết, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ lựa chọn để chất vấn bằng văn bản hoặc chất vấn trực tiếp các bộ trưởng, trưởng ngành tại các kỳ họp Quốc hội.

Theo đồng chí Y Mửi, đến nay, các cơ quan ở Trung ương đã trả lời 88 ý kiến, kiến nghị của cử tri Kon Tum. Trong đó, có 14 ý kiến, kiến nghị đã được cơ quan, tổ chức ở Trung ương tiếp thu sửa đổi, bổ sung chính sách; có 42 ý kiến, kiến nghị đã được cơ quan, tổ chức tiếp thu, giải thích thêm về nội dung, kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách để cử tri có thêm thông tin và hiểu rõ hơn các chính sách, pháp luật của Nhà nước; có 14 ý kiến, kiến nghị đã được cơ quan, tổ chức tiếp thu để sửa đổi, bổ sung chính sách trong thời gian tới.

“Khi nhận được văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri tỉnh Kon Tum của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, sau khi nghiên cứu nội dung trả lời, Đoàn ĐBQH tỉnh đã sao chuyển nội dung trả lời gửi tới các cơ quan, tổ chức liên quan trong tỉnh và cử tri tại địa điểm có ý kiến, kiến nghị đó để các cơ quan liên quan nghiên cứu, thực hiện và thông báo rộng rãi cho cử tri được biết” - đồng chí Y Mửi cho biết.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, gần 50 đại biểu HĐND tỉnh cũng đã cố gắng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Đồng chí Kring Ba - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Các đại biểu HĐND tỉnh trong thời gian qua đã làm tốt trách nhiệm của mình với cử tri trên địa bàn tỉnh. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố quan tâm giải quyết một cách thoả đáng. Đặc biệt, hầu hết các kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh trả lời một cách rành mạch, minh bạch, công khai tại các kỳ họp định kỳ của HĐND tỉnh.

Theo đồng chí Kring Ba, từ đầu nhiệm kỳ HĐND tỉnh khoá X đến nay, có hàng ngàn lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri về các vấn đề kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục và đào tạo, an ninh, quốc phòng, chế độ chính sách... đã được HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các địa phương quan tâm giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. Điều đó cho thấy các đại biểu HĐND tỉnh nói riêng và đại biểu HĐND cấp huyện- xã nói chung đã làm tốt nhiệm vụ, chức trách của mình, là “cầu nối” quan trọng giữa chính quyền và nhân dân, quan tâm đến nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của dân.

Có thể khẳng định, thông qua công tác giám sát và hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND, các đại biểu của dân đã phát hiện, tiếp thu và kịp thời kiến nghị Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền các cấp giải quyết những vấn đề mới nảy sinh, những bất cập từ thực tiễn của cuộc sống; để từ đó kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh, một chính quyền do dân bầu ra và vì nhân dân phục vụ.

Và cũng thông qua các hoạt động nêu trên, các đại biểu của dân kịp thời kiến nghị Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước các cấp; chỉ ra được những khiếm khuyết, tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh hàng năm của các cấp uỷ và chính quyền địa phương. Từ đó, chính quyền các cấp đã có biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo, các chính sách an sinh xã hội, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển, đáp ứng sự kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Quang Định

Chuyên mục khác