13/06/2022 13:13
Các đồng chí: Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; A Pớt- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hòa- Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và các huyện, thành phố.
|
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW là chủ trương lớn của Đảng nhằm khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng Tây Nguyên; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhất là trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia. Qua đó, huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên so với cả nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
|
|
Theo báo cáo đánh giá tại Hội nghị, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và 10 năm thực hiện Kết luận số 12-KL/TW, tỉnh Kon Tum đã và đang giữ vững ổn định chính trị, xã hội và đạt được nhiều kết quả trong việc phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Kinh tế của tỉnh được duy trì ở mức tăng trưởng khá. Theo đó, quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2021 tăng 17 lần so với năm 2002. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng; trong đó: Khu vực nông nghiệp năm tăng từ 492 tỷ đồng năm 2002 (chiếm tỷ trọng 44,8%) lên 3.426 tỷ đồng năm 2021 (chiếm tỷ trọng 20,19%), gấp 7 lần về giá trị; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 162 tỷ đồng năm 2002 (chiếm tỷ trọng 18,9%) lên 4.266 tỷ đồng năm 2021 (chiếm tỷ trọng 28,64%), tăng hơn 26 lần về giá trị; khu vực thương mại - dịch vụ tăng từ 286 tỷ năm 2002 (chiếm tỷ trọng 36,3%) lên 8.359 tỷ đồng năm 2021 (chiếm tỷ trọng 42,62%), tăng hơn 29 lần về giá trị. GRDP bình quân đầu người tăng từ 3,2 triệu đồng năm 2002 lên 46,94 triệu đồng năm 2021.
Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả quan trọng, từ một tỉnh với tỷ lệ hộ đói, nghèo trên 25% (năm 2002), đến năm 2005 toàn tỉnh không còn hộ đói và đến năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,32% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020). Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia tăng từ 5,2% năm 2002 lên 50,8% năm 2021.
Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Diện mạo đô thị từng bước đổi mới; thị xã Kon Tum được tập trung phát triển và thành lập thành phố Kon Tum vào năm 2009 và hiện đã đạt tiêu chí đô thị loại II; chia tách, thành lập thêm 3 huyện mới, nâng tổng số đơn vị hành chính từ 7 huyện, thị xã năm 2002 lên 10 huyện, thành phố vào năm 2021.
Các lĩnh vực công nghiệp; thương mại và dịch vụ; sản xuất nông nghiệp chuyển biến cả về chất và lượng. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả với 36 xã đã về đích nông thôn mới, diện mạo nông thôn có sự thay đổi đáng kể. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được quan tâm thực hiện. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Hệ thống chính trị từng bước được củng cố, kiện toàn, chất lượng đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội nghị thống nhất đánh giá, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW còn một số hạn chế, đó là: Quy mô nền kinh tế của tỉnh còn thấp; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; chênh lệch giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn còn cao; một bộ phận khá lớn đồng bào DTTS tại chỗ vẫn chưa thoát nghèo; tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai trong nhân dân chưa được xử lý triệt để; tình hình an ninh nông thôn vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên; triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao. Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế, từng bước hiện đại hóa các trang thiết bị khám, chữa bệnh. Quan tâm chăm lo an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, tiếp tục chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các DTTS trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; chủ động đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn, lật đổ” của các thế lực thù địch, phản động. Đồng thời, tăng cường công tác xây dựng Đảng gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao chất lượng tổ chức đảng và đảng viên; tăng cường đoàn kết nội bộ, giữ vững nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Thùy Hương