Tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng

28/11/2019 08:54

Chiều 27/11, tại thành phố Kon Tum, Ban chỉ đạo Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, phòng cháy chữa cháy rừng và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ĐT

 

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện và thành phố Kon Tum.

Năm 2019, Ban chỉ đạo Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tỉnh chủ động tham mưu triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.

Công tác thanh tra, xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm trong hoạt động công vụ, những cán bộ thoái hóa, biến chất, bao che, tiếp tay cho đối tượng vi phạm được tăng cường và nghiêm minh. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, sắp xếp, kiện toàn, bố trí đội ngũ cán bộ để thực thi nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng hiệu quả.

Ngành Nông nghiệp và các địa phương quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kiểm lâm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng với các hình thức và nội dung phong phú, đa dạng. Phong trào "Toàn dân tham gia quản lý bảo vệ rừng” diễn ra sôi nổi với 64 tin báo đúng sự thật và giao nộp 9 cá thể động vật hoang dã từ quần chúng nhân dân. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh giáp ranh trong nước và các tỉnh có chung đường biên giới của nước Lào được tăng cường…

Từ đầu năm đến nay, có 401 vụ vi phạm được phát hiện trên địa bàn tỉnh, khối lượng vi phạm 3.160,31m3 gỗ quy tròn các loại, diện tích thiệt hại 18,99ha (giảm 44 vụ so với cùng kỳ năm 2018).

Chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế được quan tâm triển khai có hiệu quả, vừa góp phần tăng sinh kế cho người dân và cộng đồng, vừa tăng cường công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng. Hiện nay, diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng năm 2019 trên địa bàn tỉnh là 360.673,53ha; tổng diện tích khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn và tổ chức là 156.345,76ha.

Tính đến ngày 24/11/2019, Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thu số tiền gần 186,5 tỷ đồng từ các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, giải ngân số tiền hơn 232,7 tỷ đồng cho các đơn vị chủ rừng và chi phí quản lý; thu số tiền gần 17 tỷ đồng trồng rừng thay thế, giải ngân cho các đơn vị chăm sóc rừng trồng thay thế số tiền hơn 5 tỷ đồng…

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: ĐT

 

Tại Hội nghị, các địa phương và các ngành liên quan tham gia thảo luận, làm rõ một số vấn đề thực tế và kiến nghị các giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và phòng cháy chữa cháy rừng. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: Quản lý các xưởng chế biến gỗ và các cơ sở mộc dân dụng; quản lý và xử lý phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện lưu hành tham gia vận chuyển lâm sản bất hợp pháp; công tác quản lý bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng; công tác phát triển rừng gắn với hỗ trợ sinh kế, phục hồi rừng, giải quyết đất sản xuất cho người dân; công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng; công tác quản lý bảo vệ rừng khu vực biên giới…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa ghi nhận một số kết quả hoạt động của ngành Lâm nghiệp tỉnh đạt được trong năm vừa qua.

Đồng chí nhấn mạnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố Kon Tum, các đơn vị chủ rừng cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng; nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ lâm nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm, tiêu cực, bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; tiếp tục đổi mới để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; đưa ra giải pháp huy động tối đa các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu phát triển rừng.

Đức Thành

 

 

 

 

 

 

 

Chuyên mục khác