Tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững

11/12/2020 14:33

Sáng 11/12, Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố để đánh giá về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo trong những năm qua. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị tại đầu cầu Trung ương có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020; các thành viên Ban chỉ đạo; đại diện các bộ, ngành Trung ương.

Tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có các đồng chí: Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nghe Minh Hồng- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương, trong giai đoạn 2016 -2020, tổng kinh phí để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân là 48.397 tỷ đồng.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và sự đồng thuận, cố gắng của người dân, công tác giảm nghèo của nước ta đã đạt được những kết quả tích cực.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Kon Tum. Ảnh: TH

 

Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm. Trong 4 năm qua có 1.353.805 hộ/tổng số 2.338.569 hộ nghèo (số liệu cuối năm 2015) thoát nghèo. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn 27,85%, bình quân trong 4 năm giảm 5,65%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm bình quân 4%/năm.

Thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần, dự kiến đến cuối năm 2020 tăng 1,6 lần so với cuối năm 2015, vượt chỉ tiêu đề ra.

Nhiều huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin… Nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo đã có chuyển biến tích cực, xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo.

Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được các tỉnh, thành phố hưởng ứng và triển khai thi đua quyết liệt, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững với nhiều chính sách đặc thù của địa phương. Công tác truyền thông, thông tin về giảm nghèo được quan tâm, tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chương trình giảm nghèo là việc làm có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người, thể hiện sự ưu việt của chế độ XHCN.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai có hiệu quả giải pháp, xây dựng được nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo về giảm nghèo và tinh thần nỗ lực vươn lên của chính những người nghèo để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Kết quả giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, kết quả giảm nghèo nhiều nơi chưa thực sự mang tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao, chênh lệch giàu- nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp gây nhiều trở ngại và thách thức đối với công tác giảm nghèo.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương phải xác định thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bằng cả trí tuệ và trái tim. Tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, hoàn thiện thể chế chính sách, xây dựng kế hoạch mục tiêu giảm nghèo cụ thể cho giai đoạn tới; lồng ghép các nội dung chương trình giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, huy động tốt nguồn lực xã hội và tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo. Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng cho vùng khó, chú trọng giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm gắn với thu nhập, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Đồng thời, các địa phương cần tích cực đổi mới, năng động, sáng tạo triển khai phong trào thi đua mỗi xã, phường, thôn, bản một mô hình giảm nghèo phù hợp với địa phương mình; tôn vinh, nhân rộng những điển hình, tấm gương tiêu biểu trong công tác giảm nghèo.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước cho Bộ Lao động– Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng Ba cho 7 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 – 2020. Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 10 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thùy Hương

Chuyên mục khác