Tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam

01/12/2020 13:39

Sáng 1/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước tổng kết 30 năm thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam và hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12/2020).
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Kon Tum. Ảnh: TH

 

Dự Hội nghị có đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.

Tại điểm cầu Kon Tum có các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh.

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam; những đáp ứng của Việt Nam trong 30 năm đương đầu với đại dịch HIV/AIDS; rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra những nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới. 

Theo báo cáo, kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào tháng 12/1990 đến nay, nước ta có khoảng 230.000 người HIV/AIDS còn sống, đứng thứ 4 ở Đông Nam Á.

Những năm qua, với những nỗ lực từ Chính phủ, Bộ Y tế và hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai rộng khắp, toàn diện và mang lại kết quả tích cực.

Hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS ngày càng được hoàn thiện. Các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai đa dạng, có nhiều đổi mới. Hiện nay, việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế được triển khai tại 63 tỉnh, thành với 52.000 bệnh nhân đang điều trị 340 cơ sở, góp phần quan trọng giảm lây nhiễm HIV/AIDS, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV được thực hiện tại 27 tỉnh, thành.

Dịch vụ xét nghiệm HIV được triển khai đa dạng từ y tế nhà nước, tư nhân, xét nghiệm cộng đồng, lưu động, tự xét nghiệm HIV… đảm bảo dễ tiếp cận. Cả nước hiện có 1.300 cơ sở xét nghiệm sàng lọc HIV, 170 phòng xét nghiệm, hiện mỗi năm thực hiện khoảng 2,5-3 triệu mẫu xét nghiệm HIV (tăng gấp 20 lần so với giai đoạn trước 2010), qua đó, phát hiện kịp thời từ 8.000-10.000 trường hợp mắc bệnh.

Công tác điều trị HIV/AIDS liên tục được mở rộng, chất lượng điều trị được nâng cao, tiêu chuẩn điều trị liên tục được cập nhật. Công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt hiệu quả cao với khoảng 50% số phụ nữ mang thai được làm xét nghiệm HIV hàng năm, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở những trẻ được điều trị dự phòng bằng ARV liên tục giảm từ 2012 đến nay; 4 năm gần đây đều dưới mức 2,5%.

Trong 15 năm qua, số người nhiễm HIV, mắc AIDS, tử vong liên quan AIDS đã giảm 2/3, Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ giảm HIV/AIDS nhanh nhất trong khu vực, tránh 0,5 triệu người nhiễm HIV và 200 người người tử vong do AIDS, khống chế tỷ lệ HIV cộng đồng dưới 0,3%, việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS ngày càng giảm xuống; góp phần đảm bảo trật tự, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện mục tiêu cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Hội nghị đề ra các một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người nhiễm mới/năm xuống còn dưới 1.000 người, tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS còn dưới 1/100.00, giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con còn dưới 2%.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm, Bộ Y tế và các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai, tham gia thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Nhấn mạnh mục tiêu cơ bản chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 là một thách thức không nhỏ đối với cả hệ thống chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và địa phương cần tiếp tục nâng cao cảnh giác, quan tâm hơn nữa đến công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ngay từ bây giờ, các địa phương cần chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch hành động thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS từ nay đến năm 2030, tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách cho nhiệm vụ. Ngành Y tế cần phát huy hiệu quả các nguồn lực hiện có, nâng cao chất lượng và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ khám sàng lọc, điều trị HIV/AIDS, tư vấn, xét nghiệm HIV. Các cấp, các ngành cũng cần chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, không phân biệt, đối xử kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình mong muốn các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ tiếp tục quan tâm, giúp đỡ về tài chính, kỹ thuật để Việt Nam có điều kiện và khả năng để thực hiện tốt nhất các mục tiêu đề ra, góp phần cùng cộng đồng quốc tế kiểm soát thành công đại dịch này.

Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước cho 1 tập thể, 1 cá nhân; Huân chương Lao động hạng Ba cho 6 cá nhân của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) về những đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS những năm vừa qua.

Thùy Hương

Chuyên mục khác