16/12/2022 13:19
Dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu Kon Tum có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và các huyện, thành phố.
|
Hội nghị nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận về chính sách xã hội ở nước ta hiện nay và đánh giá kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI.
Ngày 1/6/2012, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 (gọi tắt là Nghị Quyết số 15-NQ/TW) với mục tiêu tổng quát: “Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân”.
Nghị Quyết số 15-NQ/TW xác định 5 nhóm chính sách ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2012-2020, gồm: Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; việc làm, thu nhập và giảm nghèo; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/NQ-TW, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về chính sách xã hội có chuyển biến rõ rệt. Hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện; tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cơ bản quyền an sinh của người dân. Các chính sách xã hội được thực hiện toàn diện từ Trung ương đến địa phương; đời sống của nhân dân trên khắp các vùng, miền, mọi thành phần, dân tộc đều được nâng lên.
Cụ thể, đến năm 2020, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, có trên 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng; 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; 99% xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Hàng năm, cả nước tạo được khoảng 1,5-1,6 triệu lượt việc làm cho người lao động; tỷ lệ thất nghiệp chung duy trì ổn định ở mức dưới 3%, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt 70,25%. Thu nhập bình quân của người lao động năm 2020 là 4,25 triệu đồng/tháng, tăng gần 3 lần trong 10 năm qua.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo. Từ một quốc gia, hơn 70% dân số nghèo đói (1990) đến nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,23% (2021). Thu nhập bình quân của hộ nghèo đã tăng 3,5 lần trong 10 năm qua.
Chính sách bảo hiểm xã hội trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng mở rộng; chính sách BHYT ngày càng được hoàn thiện, đến năm 2021, có 88,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 91% dân số.
Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hàng năm, đến năm 2021 đạt 3,509 triệu người (bao phủ 3,5% dân số), tăng gần 2,5 lần so với năm 2010, trong đó trên 55% là người cao tuổi.
Nhằm bảo đảm mức tối thiểu một số dịch vụ xã hội cơ bản, nhiều năm qua, Nhà nước luôn ưu tiên đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng xã hội “điện, đường, trường, trạm”; tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, một số chính sách xã hội vẫn còn hạn chế, chậm được cải thiện; chính sách xã hội chưa bao phủ hết đối tượng; chất lượng lao động và việc làm thấp; giảm nghèo chưa bền vững; phạm vi bao phủ của BHXH còn thấp; độ bao phủ của chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên vẫn còn hạn chế; vấn đề nhà ở cho người dân vẫn là thách thức…
Tại Hội nghị, các ngành, địa phương tích cực tham gia thảo luận; chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện Nghị Quyết số 15-NQ/TW; đồng thời, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Từ đó, đưa ra các giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện chính sách xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Thùy Hương