Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của BCH TW Đảng khóa XI

17/07/2024 11:36

Sáng 17/7, tại Hội trường Tỉnh ủy, Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về "xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: PN

 

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: U Huấn- Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí báo cáo viên của Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh, huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.. .

Trong 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, cấp ủy các cấp đã luôn quan tâm lãnh đạo quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới. Công tác bảo tồn và phát huy các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn đạt được những kết quả quan trọng. Văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số từng bước được khôi phục, bảo tồn và phát triển. Nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới đã có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh đã xây dựng và đưa các phong trào thi đua về văn hóa lan tỏa rộng khắp, được nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 122.200/140.000 hộ gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 87%); có 723/756 khu dân cư văn hóa (đạt tỷ lệ 95%); có 957/980 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 2023-2027 (đạt tỷ lệ 97,65%); toàn tỉnh có 49/85 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới.

Văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS tiếp tục được khôi phục, bảo tồn và phát huy; đã phục dựng được 22 nghi lễ, lễ hội tiêu biểu và sưu tầm, biên dịch và công bố 2 bộ sử thi Ba Na và Xơ Đăng. Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt…

Bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn những tồn tại như việc đầu tư thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ phát triển văn hóa còn khó khăn. Các sản phẩm văn hóa phục vụ cho du lịch, dịch vụ chưa phong phú, đa dạng. Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh chưa nhiều…

Tại Hội nghị, các đơn vị, địa phương đã tham gia thảo luận tập trung đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những tồn tại và đề xuất, kiến nghị nhằm thục hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW thời gian tới, trong đó lấy con người làm trung tâm, văn hóa là động lực cho sự phát triển bền vững…

Đồng chí U Huấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu kết luận tại Hội nghị. Ảnh: PN

 

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí U Huấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TWtrên dịa bàn tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, đơn vị, địa phương cần: Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, gắn với việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về "đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến, "tự chuyển hóa"". Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 18/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "tăng cường lãnh đạo tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh”. Rà soát các hủ tục, phong tục không còn phù hợp để tập trung xóa bỏ, góp phần giữ gìn, xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững", Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đưa văn hóa không chỉ trở thành hồn cốt, tinh thần và văn hóa mà còn trở thành động lực, cơ sở để đồng bào DTTS phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt văn hoá cộng đồng; hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa; bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống của các dân tộc. Tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá rộng khắp hình ảnh quê hương, con người và giá trị văn hóa đặc trưng của Kon Tum. Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ du lịch, gắn với  bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong công sở, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình, hướng tới mục tiêu xây dựng con người Kon Tum, nhất là thế hệ trẻ phát triển toàn diện, có đạo đức, văn hóa trong sáng, chuẩn mực, giàu hoài bão và khát vọng vươn lên.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác