15/10/2021 14:24
|
|
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh; Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Qua 10 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo ra cơ chế tài chính mới, giảm gánh nặng ngân sách đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng tăng lên; góp phần xã hội hóa nghề rừng, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế còn góp phần phát triển rừng bền vững, tăng khả năng phòng hộ của rừng, điều hòa khí hậu, lưu giữ và cung cấp nguồn nước cho các nhà máy thủy điện cũng như sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Giai đoạn 2011-2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh ký 58/58 hợp đồng ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (thuộc lưu vực nội tỉnh) và thu tổng cộng hơn 1.917 tỷ đồng từ tiền dịch vụ môi trường rừng cùng các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Thực hiện chi trả ủy thác tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng được Nhà nước giao đất, giao rừng và UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng với tổng số tiền đã giải ngân hơn 1.788 tỷ đồng; góp phần bảo vệ diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng khoảng 384.000ha.
Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã trồng hơn 2.200ha rừng và các địa phương hỗ trợ cho người dân trồng rừng sản xuất được 647,37ha.
Tham gia thảo luận tại Hội nghị, các đơn vị chủ rừng, chính quyền cấp xã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế trong thời gian vừa qua; đồng thời đề xuất một số kiến nghị, giải pháp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ rừng, đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2021 trên địa bàn.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, gồm hướng dẫn các đơn vị chủ rừng thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định; phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tiếp tục làm tốt công tác rà soát, xác định diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, kiểm tra quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và giám sát việc trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh; xử phạt hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các đơn vị không chấp hành việc ký kết hợp đồng ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; tăng cường giám sát việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng của các chủ rừng là tổ chức Nhà nước, UBND các xã, thị trấn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng; xây dựng phương án hỗ trợ trồng rừng sản xuất cho người dân; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp nhằm góp phần bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh…
|
|
Nhân dịp này, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ vì đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2020 của tỉnh Kon Tum; 3 tập thể, 5 cá nhân, 12 thôn và 6 hộ gia đình vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2021.
Đức Thành