Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân

23/07/2024 06:09

Trong bài viết "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân", Đại tướng Tô Lâm- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã khẳng định: Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu với vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, vì nhân dân, do nhân dân.

Trên cương vị công tác của mình, nhiều năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn liên quan đến vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, vì nhân dân, do nhân dân. Những bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được tập hợp thành các cuốn sách có ý nghĩa về mặt chính trị hết sức lớn lao.

Trong đó, Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, và mới đây nhất là Cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” góp phần cung cấp những luận điểm quan trọng, mang tính khoa học về những giá trị cốt lõi của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và vai trò, vị trí quan trọng của Quốc hội Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch nước Tô Lâm viết: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước vì dân. Ảnh: IT

 

Đồng thời đây cũng là những tài liệu hết sức quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, mưu toan phủ định, chống phá công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Ở Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, 29 bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần làm rõ hơn đặc trưng, nguyên tắc, ý nghĩa lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” với 95 bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng góp phần làm sáng rõ  hơn quan điểm, lý luận của Đảng ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung và nâng cao năng lực tổ chức, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội Việt Nam nói riêng.     

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích rõ đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; là Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; là Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tôn trọng và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh, có thiện chí các điều ước quốc tế mà Nhà nước đã ký kết hoặc thừa nhận; là Nhà nước tổ chức theo nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp”; là Nhà nước do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Trong bài viết “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân”, Đại tướng Tô Lâm- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhấn mạnh rằng, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu với vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, vì nhân dân, do nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lần đầu tiên Đảng ta ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Theo đó, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ngày 18/5/2024. Ảnh:TTXVN

 

Nghị quyết đặt mục tiêu “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045”.

Trên cương vị là đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV, XV (từ năm 2002 đến nay), Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII (tháng 6/2006 - 7/2011), Chủ tịch nước (10/2018 - 4/2021), Tổng Bí thư (từ năm 2011 đến nay), đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt, sát sao, sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, khách quan, khoa học, đồng thời cũng rất cụ thể, sâu sắc đối với việc kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội Việt Nam trên từng nhiệm vụ, trong từng lĩnh vực, ở từng thời kỳ.

Đồng thời chú trọng việc nghiên cứu, từng bước phát triển tư duy lý luận và thực tiễn về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới, xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Trong bài viết giới thiệu về cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Với những đánh giá, tổng kết sâu sắc về lý luận được rút ra từ thực tiễn phong phú, cuốn sách góp phần cung cấp những luận điểm quan trọng, mang tính khoa học về những giá trị cốt lõi của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và vai trò, vị trí quan trọng của Quốc hội Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Bài viết có đoạn: Đồng chí (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- PV) khẳng định, trong giai đoạn hiện nay, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải luôn đặt trong bối cảnh đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; gắn liền với việc giữ vững ổn định chính trị, đổi mới toàn diện hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng chí yêu cầu phải đổi mới, sáng tạo hơn nữa, phải liêm chính, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả hơn nữa trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục cải cách tư pháp. Tăng cường phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, chuyên nghiệp, liêm chính, chí công vô tư. Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phòng, chống hiệu quả tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Ra mắt cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh VOV

 

Tất nhiên, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay vẫn có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và quan lý đất nước trong tình hình mới. Cụ thể, về phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn; các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa được nhận thức đầy đủ, sâu sắc; cải cách bộ máy nhà nước, đặc biệt là cải cách hành chính, cải cách tư pháp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; còn một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái, biến chất; chậm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một số mặt còn lúng túng.

Chính vì vậy, cần xác định rõ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có sự thống nhất trong nhận thức và biến thành quyết tâm và kiên trì, kiên quyết thực hiện trong toàn bộ hệ thống chính trị, phấn đấu vì mục tiêu: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Và những quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng trong hành trình thực hiện mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.                 

Sông Côn

Chuyên mục khác