04/12/2020 21:15
|
Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn; đại diện các vụ, cơ quan chuyên môn của Bộ.
Về phía tỉnh Kon Tum có các đồng chí: Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Thế Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp và sự nỗ lực của người dân, sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân 2019- 2020 là 9.298ha, vụ mùa là 168.377ha; diện tích cao su là 74.190ha, cà phê là 21.629ha, diện tích cây dược liệu khoảng 1.531,26ha. Tình hình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tương đối ổn định và có sự tăng trưởng nhẹ tại các cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học với tổng đàn gia súc khoảng 248.356 con.
Một số đề án như Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, Đầu tư và chế biến dược liệu, Chương trình mỗi xã một sản phẩm… được triển khai tích cực và đạt được những kết quả bước đầu.
Công tác quản lý bảo vệ rừng đạt được những kết quả tích cực. Tính đến ngày 15/11, các lực lượng chức năng đã xử lý dứt điểm 43/45 điểm nóng và hạn chế được 2 điểm nóng về vi phạm Luật Lâm nghiệp; các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.
Kết quả xây dựng nông thôn mới vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra. Đến nay, toàn tỉnh đã có 27 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đến tháng 11/2020 số tiêu chí đạt chuẩn bình quân là 13,9 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn tăng cao, từ 10,8 triệu đồng/người (năm 2010) lên 19,25 triệu đồng/người (năm 2019), tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 33,36% (năm 2010) xuống còn 13,62% (năm 2019) theo tiêu chí mới.
Năm 2020, toàn tỉnh có 31 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập, đạt 134,8% kế hoạch, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến nay là 115 hợp tác xã; có 15 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2020 còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Giá cả một số mặt hàng nông sản giảm sâu; kết quả xây dựng nông thôn mới mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp và khá chênh lệch so với toàn quốc; việc thành lập và công nhận các khu, vùng, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn; công nghiệp chế biến nông sản sau thu hoạch chưa cao, sản phẩm chế biến sâu còn hạn chế…
|
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang trao đổi thêm với Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp của tỉnh Kon Tum, nhất là về tiềm năng phát triển các loại cây dược liệu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 264.647ha, nhưng hiện nay, người dân chủ yếu trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu, trong khi đó, nếu trồng các loại cây ăn quả như sầu riêng, bơ, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt… mang lại giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, tỉnh Kon Tum còn có 3 huyện có ưu thế phát triển sản xuất được rau xứ lạnh, đặc biệt tại Măng Đen (huyện Kon Plông) mang lại giá trị lớn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tham mưu Chính phủ có cơ chế đặc thù đối với việc đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh, cụ thể là cho phép trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đặc dụng, công nhận giống sâm Ngọc Linh là loài được phép kinh doanh; ban hành cơ chế tín dụng ưu đãi đầu tư về trồng, bảo tồn, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm và hỗ trợ tỉnh Kon Tum nhiều hơn nữa, nhằm kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu, trong đó chú trọng chế biến sâm Ngọc Linh, nhà máy chế biến rau, củ, quả để khai thác thế mạnh, thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
|
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Kon Tum. Trên cơ sở các đề xuất đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có kế hoạch và định hướng hỗ trợ cho tỉnh.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, người nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, chú trọng vào giá trị gia tăng. Các cấp, các ngành cần phải hỗ trợ người dân phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để gắn sản xuất với tiêu thụ nhằm giảm rủi ro cho nông dân, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, tỉnh cũng cần xem xét xây dựng những mô hình du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp xanh để vừa khai thác được lợi thế về sản phẩm nông nghiệp, vừa góp phần thay đổi tư duy làm kinh tế của nông dân.
Thùy Hương