22/09/2022 06:51
|
Tham gia dự buổi làm việc có các đồng chí: Nghe Minh Hồng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, một số đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo Liên minh HTX và các sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện và thành phố Kon Tum.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 194 HTX. Một số HTX nông nghiệp đã thực sự hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, hiệu quả, phát huy tốt những lợi thế của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người dân. Một số HTX đã có các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, có doanh thu và thực hiện việc phân phối thu nhập cho các thành viên HTX.
Gần 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, tỉnh đã hỗ trợ hơn 13,935 tỷ đồng cho các HTX để thành lập, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tỉnh đã phân bổ 5,680 tỷ đồng cho UBND các huyện, thành phố để hỗ trợ cho 10 HTX xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, trong đó có các hộ nông dân là thành viên của HTX hoặc là các hộ sản xuất sản phẩm cung ứng cho các HTX là 4,615 tỷ đồng; hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp cho 24 HTX với tổng kinh phí 3,412 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho 11 HTX là 238 triệu đồng... Đã có 21 dự án của các HTX được giao, cho thuê đất với tổng diện tích là 730.390,8 m². Trong đó có 19 dự án thuê đất với diện tích 428.082 m²; 1 dự án giao đất với diện tích 900 m²; 1 dự án giao đất gắn với thuê rừng với diện tích 301.408 m².
Tuy vậy, qua giám sát 5 huyện, thành phố đã có 29 HTX trên địa bàn ngừng hoạt động, nhưng đến nay chưa làm thủ tục giải thể theo quy định. Đa số các HTX không tổ chức Đại hội thành viên thường niên; vốn điều lệ do 2 - 4 thành viên góp vốn, các thành viên còn lại đóng góp công sức hoặc tài sản hoặc thành viên HTX góp vốn bằng tài sản. Hoạt động thực chất của các HTX được giám sát trực tiếp là nhóm liên kết, tổ hợp tác để cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, do vậy đã không thực hiện phân phối thu nhập như quy định của Luật HTX năm 2012. Nhiều HTX nông nghiệp chưa thuê được đất để xây dựng trụ sở làm việc, nhà xưởng để sản xuất, kinh doanh các ngành nghề đã đăng ký. Nguồn vốn nội tại của HTX còn thấp; có HTX sản xuất kinh doanh ngoài danh mục ngành nghề đã đăng ký.
Nguyên nhân chính là do cấp ủy, chính quyền các cấp ở một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ, chưa sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tập thể, HTX nên chưa có sự quan tâm đúng mức. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn hạn chế. Hầu hết các HTX sản xuất manh mún, quy mô nhỏ, sản xuất chưa gắn với thị trường. Một số cơ chế ban hành chưa thật sự sát với yêu cầu thực tiễn, chưa quy định rõ các quy trình, thủ tục, hồ sơ giải quyết. Nhận thức của một bộ phận thành viên HTX và người dân về vai trò của HTX còn hạn chế nên chưa thu hút được người dân tự nguyện tham gia HTX.
Tại buổi làm việc, các thành viên của Đoàn giám sát thông tin thêm một số vấn đề thực tế qua giám sát và cùng lãnh đạo UBND tỉnh, một số sở, ngành và UBND huyện trao đổi một số vấn đề liên quan đến việc thành lập và phát triển các HTX ở các địa phương trong tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thế Hải đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển HTX sát thực tế, đạt hiệu quả. Sau khi có chương trình thực hiện NQTW5 (khóa XIII) của Đảng "về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới", các huyện, thành phố cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể phát triển HTX để mang lại hiệu quả thiết thực, trong đó quan tâm về hỗ trợ vốn và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để giúp các HTX phát triển.
Đồng chí lưu ý UBND tỉnh từ nay đến cuối năm 2022, tổ chức kiểm tra tất cả các HTX trên địa bàn tỉnh, kịp thời thực hiện chuyển đổi hoặc bắt buộc giải thể theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012. Đồng thời, vận dụng cơ chế, pháp luật hiện hành các HTX phát triển và để các địa phương đạt được tiêu chí về xây dựng nông thôn mới như kế hoạch đã đề ra.
Đồng chí cho biết, toàn bộ nội dung giám sát sẽ trình Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026 xem xét vào cuối năm 2022.
Cũng tại buổi làm việc, Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh về giám sát việc triển khai xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Ban Dân tộc của HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh về việc khảo sát theo Quyết định số 11/QĐ-BDT ngày 27/6/2022 việc triển khai thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật và truyền thông về trợ giúp pháp lý cho hộ nghèo, đồng bào DTTS theo Khoản 3, Điều 3 tại Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào DTTS tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình.
Kim Dung