Thường trực Chính phủ họp với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 và 26 địa phương

16/02/2021 09:11

Chiều 15/2, Thường trực Chính phủ họp với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, trực tuyến với các bộ, ngành và 26 địa phương có dịch, thuộc nhóm nguy cơ cao nhằm đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Kon Tum. Ảnh: TH

 

Dự họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Tại điểm cầu tỉnh Kon Tum, có đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ ngày 27/1 đến nay, cả nước đã ghi nhận 642 trường hợp mắc Covid-19; lũy kế đến nay cả nước có 2.234 ca mắc Covid-19. Hiện cả nước có gần 153.000 người đang cách ly, trong đó có gần 700 người cách ly tập trung tại bệnh viện; gần 134.000 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú; số còn lại cách ly tập trung tại các cơ sở khác.

Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động, khẩn trương, triển khai nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của các ngành, địa phương, đến nay, 12/13 tỉnh, thành phố có dịch tình hình đã cơ bản được kiểm soát. Đặc biệt, tại Thành phố Hồ Chí Minh chuỗi lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được khống chế. Tuy nhiên, đây là đô thị lớn, mật độ dân cư đông nên Bộ Y tế và địa phương vẫn triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, áp dụng giãn cách đối với một số điểm dân cư có ổ dịch.

Tại Hà Nội, đáng ngại nhất là trường hợp bệnh nhân người Nhật Bản, Bộ Y tế đang tiếp tục điều tra, xác định nguyên nhân tử vong. Liên quan đến ca bệnh này, Sở Y tế Hà Nội đã phát đi thông báo tìm người đến những điểm mà bệnh nhân đã từng qua trước khi phát hiện mắc Covid-19

Riêng tại Hải Dương, dù ngành Y tế và địa phương đã nỗ lực kiểm soát tình hình dịch bệnh, nhưng trong từng đơn vị cụ thể vẫn còn nhiều phức tạp, nhất là với ổ dịch Cẩm Giàng. Do đó, từ 0h ngày 16/2, Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính nhằm làm giảm việc lây nhiễm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng lây nhiễm từ trong các khu phong tỏa cách ly, do đó, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và địa phương sẽ có những thay đổi trong phương pháp cách ly.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng kiến nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ. Trong thời gian tới, dừng tất cả các lễ hội và những hoạt động có tập trung đông người; một số địa phương cân nhắc việc triển khai học trực tuyến…

Tại cuộc họp, các tỉnh, thành đã báo cáo cụ thể về tình hình dịch bệnh; công tác triển khai những giải pháp ngăn ngừa, ứng phó với dịch bệnh của từng địa phương và các bộ, ngành. Đồng thời nêu lên những khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới.

Tại tỉnh ta, theo báo cáo của Sở Y tế về tình hình giám sát ca nghi nhiễm/có yếu tố dịch tễ về Kon Tum từ tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 14/02/2021, trên địa bàn tỉnh có 1 ca nghi ngờ mắc bệnh tại Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi (về tỉnh Kon tum từ phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đến nay đã thực hiện cách ly đủ 14 ngày. Tổng số ca tiếp xúc gần (với ca bệnh xác định ở các tỉnh khác) là 8 ca, trong đó, có 4 ca đã thực hiện hiện cách ly đủ 14 ngày, 1 ca đã bỏ về Hải Phòng trước khi ngành Y tế nhận được thông tin có trường hợp tiếp xúc gần với ca Covid-19, 3 ca còn lại đang thực hiện cách ly tập trung và đã có kết qủa xét nghiệm sàng lọc lần 1 và lần 2 âm tính với SARS-CoV-2.

Hiện các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng đang thực hiện cách ly 19 ca, tất cả đều đã có kết quả xét nghiệm sàng lọc lần 1 âm tính với SARS-CoV-2. Hiện tại, sức khỏe của các trường hợp này ổn định, không có triệu chứng Covid-19. Bên cạnh đó, các địa phương và các ngành chức năng cũng đang thực hiện giám sát, cách ly tập trung ca có yếu tố dịch tễ (đến/ở/về từ vùng dịch) đối với 320 trường hợp; giám sát, cách ly, theo dõi tại nhà đối với 4.290 trường hợp; giám sát, theo dõi, quản lý tại cộng đồng do tiếp xúc gần với các trường hợp có yếu tố dịch tễ đối với 383 trường hợp…

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, đặc biệt là ngành Y tế; các địa phương có ca bệnh đã  triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là trong thời gian Tết Nguyên đán. Nhờ đó mà đến nay, tình hình dịch bệnh ở nhiều địa phương cơ bản được được kiểm soát, nhân dân được đón Tết an vui, tương đối bình yên.

Để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các quán triệt của Chính phủ, ưu tiên kiểm soát nguồn lây bệnh, không để lây lan ra diện rộng, nhất là ở những thành phố lớn. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các tỉnh có dịch, các tỉnh có đường biên giới thực hiện nghiêm chỉ thị 05/CT-TTg (ngày 28/1/2021) của Thủ tưởng Chính phủ, dừng tất cả các hoạt động tập trung đông người, xem xét việc tổ chức cho học sinh học trực tuyến, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các nhà máy, xí nghiệp xây dựng các phương án phòng, chống dịch trước khi bắt tay vào sản xuất trở lại sau Tết Nguyên đán.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ngành Y tế và các địa phương cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các ca tiếp xúc gần, truy vết thần tốc, đẩy mạnh xét nghiệm, quản lý tốt khu cách ly, không để lây nhiễm chéo trong các khu phong tỏa cách ly; siết chặt biện pháp phòng, chống dịch ở các cơ sở lưu trú. Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch mới trong tình hình mới; các lực lượng Quân đội, Công an sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch trong mọi tình huống, chuẩn bị phương án cách ly lớn. Các bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch nhập khẩu vắc xin và xúc tiến việc sản xuất vắc xin trong nước.

Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường truyền thông nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân với tinh thần tuyệt đối không chủ quan, nhưng cũng không quá hoang mang. Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành có liên quan và các địa phương có phương án đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa nhu yếu phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nông sản cho người dân, không được để ứ đọng trong mọi tình huống. Bộ Quốc phòng, các địa phương quản lý chặt đường biên giới, đường biển siết chặt hoạt động nhập cảnh, ngăn chặn hiệu quả việc nhập cảnh trái phép…

Thùy Hương

Chuyên mục khác