Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh làm việc với Sở Tư pháp

14/04/2022 06:13

Chiều 13/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh có buổi làm việc với Sở Tư pháp về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và quý I năm 2022.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: DN

 

Theo báo cáo tại buổi làm việc, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trong năm 2021 và từ đầu năm 2022 tới nay, Sở Tư pháp đã bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác của Bộ và tỉnh, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến so với năm trước.

Cụ thể, đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ là "người gác cổng" về các vấn đề pháp lý cho hệ thống chính trị của tỉnh, các văn bản pháp quy do HĐND, UBND tỉnh ban hành đều được Sở Tư pháp tham gia ý kiến, thẩm định, tham mưu cho tỉnh ban hành văn bản, hướng dẫn chung về trình tự, thủ tục xây dựng văn bản.

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được thực hiện bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành VBQPPL. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) có nhiều đổi mới, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện về địa lý và dân cư của tỉnh, bám sát các yêu cầu, hướng dẫn của Bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL.

Công tác hòa giải ở cơ sở được quan tâm, đẩy mạnh; năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở từng bước được nâng cao, chú trọng kỹ năng dân vận khéo trong quá trình hòa giải để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng hóa giải mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng, góp phần vào việc xây dựng đoàn kết trong cộng đồng dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Năm 2021, hòa giải thành 523/610 vụ việc, đạt tỷ lệ 85,7%, cao hơn 5,7% so với tỷ lệ trung bình của cả nước.

Các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp như công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả; đạt nhiều kết quả tích cực. Quý I/2022, Sở Tư pháp cung cấp 733 thông tin LLTP, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2021.

Sở Tư pháp chủ động tham gia vào xử lý những vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội như là xử lý vấn đề quốc tịch, hộ tịch cho cư dân khu vực biên giới với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong khuôn khổ thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về giải quyết vấn đề dân di cư tự do và kết hôn không giá thú.

Kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các quy định về đấu giá tài sản, qua đó hạn chế sai sót, góp phần tăng thu ngân sách của tỉnh cũng như duy trì trật tự an ninh trên địa bàn.

Sau khi nghe những kiến nghị, đề xuất của Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum và cùng các ý kiến của thành viên trong đoàn công tác của Bộ Tư pháp, kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh khẳng định, trong những thành tựu chung của Bộ, ngành Tư pháp có sự đóng góp tích cực của Tư pháp Kon Tum.

Chia sẻ với những khó khăn chung của tỉnh, Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, ngành Tư pháp Kon Tum tiếp tục tập trung nguồn lực bám sât và kịp thời thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, của Chính phủ và các định hướng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh phù hợp với điều kiện, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh.

Tăng cường rà soát những quy định có nội dung mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tiễn địa phương để đề xuất sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chủ động tham mưu, giúp UBND tỉnh tiếp tục tổ chức thi hành hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính và hơn 30 nghị định sửa đổi, bổ sung, gần 80 nghị định quy định chi tiết về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cụ thể cùng các kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng vào nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân; có giải pháp, chính sách phát triển đội ngũ luật sư, công chứng viên, đấu giá viên để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là trong hoạt động công chứng, đấu giá tài sản; tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp; chú trọng phát triển đội ngũ trợ giúp viên pháp lý.

Về thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng đề nghị phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường kiểm tra, rà soát, bảo đảm tất cả các sự kiện hộ tịch (đặc biệt là đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử) được đăng ký đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật hộ tịch và cập nhật kịp thời trên phần mềm dùng chung của Bộ.

Quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định; tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý điều hành và các hoạt động dịch vụ công nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng, với truyền thống đoàn kết, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Sở Tư pháp Kon Tum sẽ phát huy sức mạnh, đoàn kết, gắn bó, không ngừng sáng tạo, bồi đắp lòng yêu ngành, yêu nghề, khắc phục mọi khó khăn để làm tốt vai trò, nhiệm vụ là “người gác cổng” về các vấn đề pháp lý cho hệ thống chính trị của tỉnh và là “cánh tay nối dài” của Bộ Tư pháp tại các địa phương.

Dương Nương

 

Chuyên mục khác