11/06/2023 06:02
|
Buổi sáng
Quốc hội thảo luận ở tổ về: (1) Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); (2) Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Buổi chiều
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Tại phiên thảo luận đã có 21 đại biểu phát biểu, 01 đại biểu tranh luận, trong đó đa số ý kiến đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 12 năm thi hành Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017 nhằm tăng cường sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống các TCTD; tạo cơ chế xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các TCTD; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu tập trung thảo luận về những nội dung sau: phạm vi điều chỉnh; áp dụng Luật Các TCTD, điều ước quốc tế, tập quán thương mại quốc tế và các luật có liên quan; giải thích từ ngữ; đăng ký kinh doanh; phòng ngừa rủi ro cho hệ thống; kiểm soát đặc biệt, sở hữu chéo trong TCTD; lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của TCTD; về việc ngừng giao dịch; quyền, thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm; xử lý tài sản khoản nợ xấu; cung cấp thông tin cho các cơ quan phòng chống tội phạm; đảm bảo tính chính danh khi mở tài khoản ngân hàng; hệ thống thông tin khách hàng; trách nhiệm của Ngân hành nhà nước Việt Nam; tập đoàn tài chính; chính sách số hóa các hoạt động ngân hàng; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; hoạt động của ngân hàng chính sách; tỷ lệ sở hữu cổ phần; quỹ dự trữ bắt buộc; khoản vay đặc biệt; tài sản bảo đảm cho vay đặc biệt; thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm; đối tượng tham gia, thủ tục rút gọn trong xử lý nợ xấu; xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; bán nợ xấu và tài sản bảo đảm và mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; kinh doanh bất động sản; ngân hàng chính sách xã hội; nghiệp vụ ủy thác và đại lý, giao đại lý; những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng; Hội đồng quản trị quỹ tín dụng nhân dân; giới hạn cấp tín dụng; hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính; trách nhiệm của chính quyền địa phương; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; quy trình thông qua dự án Luật…
Kết thúc phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
(Từ ngày 11/6 đến ngày 18/6/2023, Quốc hội nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết).
Thứ hai, ngày 19/6/2023: Sáng: Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam; Chiều: Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Luật Giá (sửa đổi); nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật này./.
Theo quochoi.vn