Thi đua - Động lực thúc đẩy sự phát triển

22/10/2020 09:42

Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Kon Tum lần thứ VIII diễn ra ngày 22/10, là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng, được tổ chức vào dịp toàn tỉnh ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2020, lập thành tích chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), hướng đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đại hội đánh dấu bước phát triển mới trên cơ sở tiếp nối, phát huy truyền thống thi đua yêu nước và sức mạnh khối đại đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Với trọng tâm là tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế của các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025, Đại hội lần này cũng là dịp để biểu dương, khen thưởng, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu xuất sắc nhất của tỉnh trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua, qua đó tạo khí thế thi đua mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển tỉnh nhà giai đoạn 2020-2025.

Từ sau Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Kon Tum lần thứ VII (giai đoạn 2015-2020) đến nay, phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện với nhiều nội dung phong phú, đạt hiệu quả thiết thực. Công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, khen thưởng và nhân rộng điển hình được tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên, có tác dụng động viên, nêu gương và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục.

Các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chủ động bám sát nhiệm vụ trọng tâm và các lĩnh vực đột phá phát triển KT-XH của tỉnh để cụ thể hóa thành nội dung các phong trào thi đua với hình thức đa dạng, sát thực tiễn, tạo khí thế sôi nổi rộng khắp, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể cùng thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang thăm Nông trường Măng Đen. Ảnh: TVP

 

Các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận xã hội và tham gia của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện hàng ngàn tập thể, cá nhân xuất sắc, điển hình được các cấp ghi nhận và tôn vinh. Đặc biệt, thông qua đó, nhiều chính sách liên quan đến phát triển, dân sinh được đề xuất ban hành kịp thời, phù hợp; nhiều cách làm hay được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện có hiệu quả.

Có thể khẳng định, phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã thực sự đi vào đời sống, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội, huy động được sức mạnh cả hệ thống chính trị của tỉnh tham gia thực hiện. Những thành tựu to lớn tỉnh nhà đạt được đều có dấu ấn các phong trào thi đua.

Mùa thu hoạch trên cánh đồng xã Đoàn Kết. Ảnh: Thế Binh

 

Qua thực tiễn chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020, bài học kinh nghiệm được rút ra, đó là bên cạnh tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác thi đua, khen thưởng; gắn phong trào thi đua yêu nước với thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của đơn vị, địa phương…; cần đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, mở rộng các hình thức tuyên truyền, làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình…

Nhiệm vụ trong giai đoạn mới đặt ra rất nặng nề. Tuy nhiên, “càng khó khăn thì càng phải thi đua”. Thi đua để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và hành động.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng và nhận thức rõ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới; phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở, làm cho phong trào thi đua trở thành cuộc vận động cách mạng sâu rộng trong đời sống xã hội.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua, công tác khen thưởng.

Các phong trào thi đua được triển khai rộng khắp tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: TH

 

Các ngành, các cấp, các đoàn thể nhân dân nhanh chóng cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ được xác định trong giai đoạn 2020-2025, đề ra biện pháp tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua phù hợp với đặc điểm, tình hình và chức năng nhiệm vụ của mình; đẩy mạnh các phong trào thi đua đang triển khai, phát động các phong trào thi đua mới, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu KT-XH, QP-AN hàng năm, tạo cơ sở vững chắc hoàn thành toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2020-2025.

“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất” - Lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc năm 1952 đã thể hiện rõ tư tưởng của Người về thi đua yêu nước; đặc biệt tư tưởng đó thể hiện rất cụ thể, sinh động qua “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Bác trước đó, năm 1948. Hơn hai phần ba thế kỷ qua, tư tưởng của Người về thi đua yêu nước vẫn còn nguyên giá trị, hàm chứa sâu sắc tình cảm, trí tuệ của con người Việt Nam, được Đảng, Nhà nước vận dụng, bổ sung linh hoạt và trở thành quan điểm chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước trong từng thời điểm cách mạng cụ thể.

Tất cả chúng ta tiếp tục thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Người, ra sức thi đua lao động, học tập, cống hiến, tạo nên sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong ý chí và hành động, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Kon Tum

Chuyên mục khác