Thảo luận dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

09/06/2024 06:05

Sáng 8/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu thảo luận. Ảnh: HN

 

Phát biểu tham gia thảo luận dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), theo ĐBQH Phạm Đình Thanh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, từ kết quả khảo sát thực tế và qua nghiên cứu Báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ trình Quốc hội nổi lên mấy vấn đề đáng chú ý:

Thứ nhất, thời gian trước đây, hoạt động mua bán người chủ yếu xảy ra ở vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn có phần hạn chế. Tuy nhiên, những năm gần đây, ở nhiều vùng khác tuy không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhưng tình hình mua bán người cũng xảy ra rất nghiêm trọng và phức tạp.

Thứ hai, nạn nhân của mua bán người trước đây chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, những năm gần đây có rất nhiều nạn nhân là nam giới trong độ tuổi thanh thiếu niên; với thủ đoạn lừa "việc nhẹ, lương cao"; đối tượng mua bán người đã đưa nhiều nạn nhân qua biên giới, nhất là sang Campuchia để cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản. Nóng nhất là vào năm 2022, theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2022 cả nước xảy ra 43 vụ mua bán người; số đối tượng mua bán người là 113 đối tượng, tăng 10,26% về số vụ và tăng 44,87% về số đối tượng mua bán người so với cùng kỳ năm 2021.

Thứ ba, nạn nhân bị đối tượng mua bán người sử dụng vào mục đích vô nhân đạo khác như buộc nạn nhân phải đi ăn xin, hoặc sử dụng nạn nhân vào các mục đích tàn ác khác... ngoài số nạn nhân thuộc lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng thì người khuyết tật cũng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của các hành vi này.

Thứ tư, về cơ quan, tổ chức trực tiếp tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân, trong thời gian qua, có nhiều trường hợp nạn nhân ngay sau khi tự giải cứu hoặc được người nhà, cơ quan, tổ chức ngoài nhà nước giải cứu trở về thường đi qua các cửa khẩu, đường mòn, lối mở hoặc đi qua đường biển và trước nhất là họ vào các Đồn Biên phòng, tàu Cảnh sát biển để khai báo...

Từ những vấn đề trên, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung 4 nội dung vào Dự án Luật:

Một là, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, đề nghị ngoài việc ưu tiên vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì cũng cần có quy định ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng, địa phương có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp.

Hai là, bổ sung nhóm đối tượng là người khuyết tật vào nhóm cần được tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, cụ thể: bổ sung quy định tại Khoản 5, Điều 7 là "Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần được tăng cường đối với phụ nữ, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên, người khuyết tật và những người cư trú tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và những địa bàn xảy ra nhiều vụ việc mua bán người".

Ba là, bổ sung và quy định rõ trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người vào dự thảo Luật.

Bốn là, bổ sung quy định Đồn Biên phòng, các đơn vị của Cảnh sát biển là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xác minh khi nạn nhân tự đển trình báo....

ĐBQH Trần Thị Thu Phước phát biểu thảo luận. Ảnh: HN

 

Đối với dự án luật này, ĐBQH Trần Thị Thu Phước đã phát biểu tham gia 2 ý kiến về hành vi phạm tội mua bán người không chỉ dừng lại ở việc mua, bán người, mà nó còn gắn với các hành vi phạm tội khác liên quan như đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự cần nghiên cứu để tăng nặng hình phạt đối với hai trường hợp là đối tượng phạm tội chính là nạn nhân của các vụ mua bán trước đó và đối tượng phạm tội là người thân thích với bị hại, để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa xã hội;...

Phát biểu tham gia thảo luận dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, theo đại biểu Trần Thị Thu Phước, qua đánh giá, tình trạng người dưới 18 tuổi phạm tội có xu hướng gia tăng qua các năm. Trong khi đó, một trong những nội dung của dự thảo Luật nhằm mở rộng hơn các biện pháp xử lý chuyển hướng, có tính chất “nhẹ hơn” các hình phạt, các biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Do đó, đại biểu băn khoăn nếu các quy định này được ban hành, dự báo tình hình tội phạm do người dưới 18 tuổi gây ra sẽ tiếp tục gia tăng, có thể xuất hiện những băng, ổ, nhóm chỉ sử dụng người dưới 18 tuổi để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật... Quy định về “công việc phục vụ cộng đồng” còn đơn điệu, chủ yếu là làm vệ sinh, hoặc cải thiện cảnh quan môi trường sống. Nếu chỉ với những hoạt động này thì chưa mang tính giáo dục cao, chưa tạo được sự chuyển biến trong nhận thức để người đó trở thành công dân có ích. Do vậy, đại biểu Phước đề nghị nghiên cứu bổ sung các hình thức khác như: Tham gia hỗ trợ các công việc tại trung tâm bảo trợ xã hội; hỗ trợ người già neo đơn; giúp đỡ bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo, bệnh nhân nhi trong một số hoạt động… Đó đều là những công việc đầy ý nghĩa, không chỉ là hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội mà hơn hết, thông qua những công việc đó, người chưa thành niên phạm tội có cơ hội để thay đổi nhận thức của bản thân, sống tích cực, trách nhiệm hơn;...

Hồ Nam

Chuyên mục khác