02/07/2021 18:29
Nhiều đề xuất để hoàn thành “mục tiêu kép”
Tại phiên thảo luận, các đại biểu dành nhiều sự quan tâm với nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm đảm bảo hoàn thành “mục tiêu kép” trong báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của UBND tỉnh trình tại Kỳ họp. Đa số ý kiến của các đại biểu đều bày tỏ thống nhất cao với những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh ta đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021 và đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của UBND tỉnh, các ngành, các địa phương, vượt qua khó khăn, đảm bảo vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến mới, phức tạp, khó lường, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo lắng, đồng thời đưa ra các kiến nghị nhằm thực hiện đảm bảo các chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm.
|
Về vấn đề thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch, đại biểu Nguyễn Xuân Khánh (Tổ đại biểu huyện Ia H’Drai) nêu ý kiến: Trong nửa đầu năm 2021, dù tiếp tục chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt được mục tiêu. Song, UBND tỉnh cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn để chống thất thu, tránh hụt thu. Tích cực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là phải tranh thủ khi tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt; đôn đốc, thúc đẩy thực hiện các dự án để đảm bảo kế hoạch giải ngân. Đồng thời, chú trọng thu hút đầu tư, rà soát lại số doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư; xem xét, có chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
|
Cùng quan điểm này, đại biểu Võ Thanh Chín (Tổ đại biểu huyện Đăk Hà) bày tỏ: Trong chặng đường nửa cuối năm 2021, tỉnh cần tập trung thực hiện đảm bảo thu ngân sách trên địa bàn; đánh giá lại việc cấp phép, thành lập doanh nghiệp để đảm bảo tính khả thi, hạn chế tình trạng thành lập rồi lại ngưng hoạt động hay hoạt động không hiệu quả.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, vấn đề trồng rừng, phát triển dược liệu, cây ăn trái được nhiều đại biểu đưa ra phân tích, thảo luận. Theo các đại biểu, năm nay, kế hoạch đề ra của tỉnh lớn, trong khi thời gian triển khai thực hiện không còn nhiều, vì vậy, các đại biểu đề nghị tỉnh, các địa phương cần phải có những biện pháp sát thực tiễn hơn nữa để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đặt ra.
Theo đại biểu Võ Thanh Chín, các ngành, địa phương cần xem xét, rà soát lại cụ thể quỹ đất trồng rừng, diện tích đất đang bị chồng lấn để có phương án điều chỉnh, hợp lý hóa. Nghiên cứu các loại cây trồng phù hợp và giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho lâm trường, chủ rừng, địa phương. Cùng với đó, tăng cường quản lý bảo vệ rừng, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm lâm luật. Đồng thời, tỉnh cần có đánh giá về việc phát triển diện tích cây dược liệu, nhất là diện tích sâm Ngọc Linh; tăng cường quản lý, bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh, ngăn chặn tình trạng sâm giả để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Đây cũng là vấn đề mà đại biểu Nguyễn Thị Ánh Tuyết (tổ đại biểu huyện Kon Plông) và đại biểu Hoàng Trung Thông (Tổ đại biểu huyện Đăk Glei) quan tâm. Các đại biểu đề nghị UBND tỉnh quan tâm đến kế hoạch trồng và phát triển dược liệu, cây ăn quả và chăn nuôi. Đặc biệt cần xem lại chỉ tiêu trồng sâm Ngọc Linh cho phù hợp với điều kiện thực tế, nguồn lực của tỉnh, khả năng của các doanh nghiệp và người dân.
|
Đại biểu Trần Hoàn (Tổ đại biểu huyện Tu Mơ Rông) kiến nghị, tỉnh cần xem xét, cân nhắc lại chính sách hỗ trợ giống cây dược liệu, nâng mức hỗ trợ để thu hút người dân tham gia. Bên cạnh đó, để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, tỉnh tiếp tục có những chính sách phù hợp, các địa phương quan tâm tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế sản xuất manh mún, nhỏ lẻ…
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Đa số các đại biểu đều nhất trí đánh giá, tính đến thời điểm này, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của tỉnh ta đã phát huy được hiệu quả, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các đại biểu đề nghị tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 để đảm bảo hoàn thành “mục tiêu kép”.
Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị tỉnh cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Sao Mai (thành phố Kon Tum), tránh quy hoạch “treo”, lấn chiếm đất đai. Đồng thời, quan tâm công tác xây dựng nông thôn mới; xử lý các vi phạm pháp luật trên các mạng xã hội; chú trọng kiểm tra, xử lý các loại tội phạm về ma túy, đảm bảo an ninh trật tự.
Quan tâm thực hiện chiến lược phát triển giáo dục
Tại phiên thảo luận tổ cũng như ở Hội trường, các đề án về giáo dục được các đại biểu xem xét, thảo luận kỹ lưỡng.
|
|
Theo các đại biểu Đinh Thị Hồng Thu (Tổ đại biểu huyện Kon Rẫy), Nguyễn Thanh Hà (Tổ đại biểu huyện Đăk Glei) và Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Tổ đại biểu huyện Kon Plông), Đề án nâng cao chất lượng học sinh DTTS, UBND tỉnh và ngành chức năng cần xem xét lại chỉ tiêu từng năm và cả giai đoạn để đề ra các giải pháp thực hiện phù hợp nhằm mang lại kết quả tốt. Tiêu chí ưu tiên học tiếng Anh trong Đề án là chưa cần thiết, nên giảm và tập trung vào tiếng Việt cũng như các môn học chính khác.
Đại biểu Lê Ngọc Tuấn (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) cho hay: Việc thực hiện các đề án về giáo dục cần có sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, địa phương mới triển khai thực hiện đạt kết quả tốt được. UBND tỉnh sẽ phân kỳ đầu tư vào các lĩnh vực, nội dung cần ưu tiên đầu tư. Trong đó, quan tâm đầu tư nhà vệ sinh, nước sinh hoạt trong các trường học; nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho các cháu mầm non; có chính sách ưu tiên cho giáo viên công tác vùng đồng bào DTTS; huy động thêm các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước tham gia đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học cho các trường, đặc biệt là trường học ở các xã vùng khó khăn.
Tổ đại biểu huyện Sa Thầy bày tỏ băn khoăn về tổng mức đầu tư lớn, đề nghị UBND tỉnh cân nhắc khả năng, nguồn lực và trên cơ sở đó, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Ngoài ra, trong quá trình sắp xếp lại trường, lớp học sẽ dẫn đến việc dôi dư một số cơ sở vật chất, do đó đề nghị tỉnh, ngành Giáo dục cần có giải pháp sắp xếp hợp lý, hiệu quả, tránh lãng phí. Đồng thời, khi thực hiện Đề án phát triển đội ngũ giáo viên, tỉnh cũng cần quan tâm đến đội ngũ giáo viên lớn tuổi không đạt chuẩn đảm bảo quyền lợi cho các thầy, cô cũng như thể hiện tính nhân văn của chính sách.
|
Làm rõ hơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu, bà Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (Tổ đại biểu huyện Đăk Glei) trao đổi và làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Bà Trung cho hay: Đối với Đề án về cơ sở vật chất, cần nguồn kinh phí rất lớn, thời gian chỉ còn 4 năm để thực hiện chủ trương của Trung ương về lĩnh vực này nên rất khó khăn cho ngành. Hiện nay, phòng học chưa đảm bảo, đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm và cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mới đạt được kết quả tốt. Về chất lượng, hiện nay, tỷ lệ bỏ học chủ yếu là học sinh DTTS, qua các năm tỷ lệ này có giảm nhưng vẫn còn nhiều thách thức, vì vậy đề nghị lãnh đạo cấp ủy và chính quyền địa phương duy trì mô hình bán trú và chuyển đổi sang mô hình bán trú dân nuôi đề duy trì sĩ số...
Cũng về giáo dục, nhiều ý kiến của các đại biểu kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm…
Có thể nói, các đại biểu đã thực sự phát huy tinh thần trách nhiệm và tâm huyết trong thảo luận những vấn đề lớn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tất cả ý kiến đại biểu tham gia đều rất thẳng thắn và trách nhiệm, nhằm tạo sự thống nhất, đưa ra những giải pháp hiệu quả để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của năm 2021 và chiến lược phát triển giáo dục của cả giai đoạn.
Thùy Hương - Quang Định