Thẳng thắn, trách nhiệm thảo luận các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

08/12/2021 07:51

Trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026, chiều 7/12, các đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành phiên thảo luận tại tổ để cho ý kiến về các báo cáo, tờ trình dự thảo Nghị quyết.

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang và đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn tham gia phát biểu ý kiến tại các tổ thảo luận. Ảnh: QĐ 

 

Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm cao, các đại biểu dành phần lớn thời gian để xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện về những ưu điểm, hạn chế trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; đưa ra các giải pháp để thực hiện thắng lợi mục tiêu của năm 2022.

Các đại biểu thống nhất đánh giá, mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự chủ động điều hành linh hoạt của UBND tỉnh, kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh tiếp tục phát triển và đạt được kết quả quan trọng trên nhiều mặt. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt, vì vậy, các đại biểu tập trung bàn bạc, thảo luận, đề xuất các giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm tới.

Năm 2021, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) không đạt kế hoạch đề ra (chỉ đạt 7,5%), thấp hơn mục tiêu đề ra 2,5%, đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Võ Thanh Chín (Tổ đại biểu huyện Đăk Hà) phát biểu ý kiến. Ảnh: TH

 

Đại biểu Võ Thanh Chín (Tổ đại biểu huyện Đăk Hà) cho rằng, trong năm, các cấp, các ngành chưa đánh giá sát tình hình thực tế, chưa lường hết những khó khăn, tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra nên không đưa ra những dự báo chính xác để có sự điều chỉnh và có giải pháp hợp lý. Dự báo năm 2022 cũng còn nhiều khó khăn, đề nghị tỉnh cân nhắc, xem xét khi đề ra mục tiêu GRDP tăng 10% trở lên.

Theo đại biểu Hoàng Trung Thông (Tổ đại biểu huyện Đăk Glei), chúng ta thu hút được nhiều dự án đầu tư, nhưng thực tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa triển khai thực hiện nên chưa có đóng góp cho thu ngân sách địa phương và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong năm 2022, tỉnh cần tiếp tục quan tâm thu hút đầu tư, đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đưa các dự án sớm triển khai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.  

 

 Đại biểu Võ Duy Tuấn (Tổ đại biểu huyện Đăk Tô) phát biểu ý kiến. Ảnh: QĐ

 

Tham gia thảo luận, đại biểu Võ Duy Tuấn (Tổ đại biểu huyện Đăk Tô) cho rằng, HĐND tỉnh dự kiến giao dự toán thu ngân sách tỉnh năm 2022 khoảng 4.000 tỷ đồng, cao hơn mức dự toán giao năm 2021 là 14% và nhiều so với dự toán thu ngân sách Trung ương giao cho tỉnh khoảng 40%. Vì vậy, để đạt được chỉ tiêu này, đại biểu Võ Duy Tuấn đề nghị tỉnh cần có giải pháp phù hợp, vận động nhà đầu tư tăng cường sử dụng lao động tại chỗ và sử dụng hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất, bởi hàng hóa trong tỉnh được tiêu thụ sẽ góp phần gia tăng thêm ngân sách cho tỉnh.

Giải ngân vốn đầu tư công được xem là giải pháp quan trọng tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, nhất là trong điều kiện khó khăn do tác động của dịch bệnh, nhưng năm 2021, mục tiêu này cũng không hoàn thành. Về vấn đề này, các đại biểu thuộc các tổ đại biểu huyện Đăk Hà và Đăk Glei cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan như dịch bệnh, thời tiết làm ảnh hướng đến tiến độ thi công công trình thì các cấp, các ngành cũng cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại năng lực của các nhà thầu, đơn vị thi công; có biện pháp xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, vi phạm hợp đồng.

Đại biểu Ka Ba Thành (Tổ đại biểu huyện Đăk Hà) phát biểu ý kiến. Ảnh: TH

 

Mặt khác, đại biểu Ka Ba Thành (Tổ đại biểu huyện Đăk Hà) cũng phản ánh việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư còn chậm nên nhiều dự án khi triển khai vào mùa mưa bão, ảnh hưởng đến việc thi công, nhiều dự án phải điều chuyển vốn…

Chỉ tiêu phát triển dược liệu, đặc biệt việc mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh cũng là một trong những nội dung được các đại biểu đề cập nhiều tại buổi thảo luận.

Đại biểu Y Hương (Tổ đại biểu huyện Tu Mơ Rông) phát biểu ý kiến. Ảnh: QĐ

 

Đại biểu Y Hương (Tổ đại biểu huyện Tu Mơ Rông) cho rằng, chỉ tiêu trồng 500ha cây dược liệu trong năm 2022 là quá cao, người dân tham gia trồng cây dược liệu không đạt vì thiếu nguồn vốn, kỹ thuật, nguồn giống, diện tích rừng không đảm bảo. Do đó, cần có chính sách đối với người đồng bào DTTS trong việc trồng dược liệu, trong đó có sâm Ngọc Linh.

Đại biểu Võ Thanh Chín (Tổ đại biểu huyện Đăk Hà) nêu ý kiến, việc phát triển, mở rộng diện tích dược liệu phải gắn liền với chế biến và tiêu thụ để sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó, có như vậy mới khuyến khích được người dân tham gia trồng. Đồng thời, tỉnh phải có biện pháp căn cơ ngăn chặn, xử lý tình trạng buôn bán sâm Ngọc Linh giả để bảo vệ thương hiệu của sâm Ngọc Linh.

Không chỉ với dược liệu mà vấn đề sản xuất, gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ cũng là nội dung được các đại biểu đề cập khi mở rộng diện tích cây ăn trái.

Đại biểu Lê Minh Chính (Tổ đại biểu huyện Sa Thầy) phát biểu ý kiến. Ảnh: TH

 

Về vấn đề này, đại biểu Lê Minh Chính (Tổ đại biểu huyện Sa Thầy) kiến nghị, để tránh rơi vào vòng luẩn quẩn, được mùa mất giá, không tiêu thụ được thì các cấp, các ngành phải tăng cường kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ chứ không thể chỉ quan tâm đến việc phát triển về diện tích.

Liên quan đến vấn đề đào tạo nghề cho lao động trong tỉnh, đại biểu Phan Thị Thủy (Tổ đại biểu huyện Ngọc Hồi) cho biết, hiện nay, công tác đào tạo nghề còn nhiều bất cập, các trung tâm nghề nghiệp giáo dục thường xuyên hoạt động rất kém, tập trung chủ yếu là đào tạo nghề nông thôn theo hình thức lưu động, phục vụ cho nông nghiệp là chính…

Đại biểu Y Sâm (Tổ đại biểu HĐND huyện Sa Thầy) phát biểu ý kiến. Ảnh: TH

 

Cùng quan điểm trên, đại biểu Y Sâm (Tổ đại biểu huyện Sa Thầy) đề nghị cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm để đảm bảo thực hiện được mục tiêu giảm nghèo bền vững trong năm 2022 và các năm tới.  

Đại biểu Phan Thị Thủy (Tổ đại biểu huyện Ngọc Hồi) phát biểu ý kiến. Ảnh: QĐ

 

Đại biểu Phan Thị Thủy (Tổ đại biểu huyện Ngọc Hồi) bày tỏ mối quan tâm đối với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em hiện nay. Đại biểu phản ánh tình trạng tỷ lệ trẻ em trên địa bàn tỉnh thuộc diện đặc biệt khó khăn tăng đột biến trong năm 2021, một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến gia đình của các em rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Đại biểu Y Ngọc (Tổ đại biểu huyện Sa Thầy) phát biểu ý kiến. Ảnh: TH

 

Cùng chung quan điểm, đại biểu Y Ngọc (Tổ đại biểu huyện Sa Thầy) nêu ý kiến, thực tế qua công tác giám sát cho thấy việc thực hiện chính sách liên quan đến quyền trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 2 xã đạt chuẩn an toàn cho trẻ em là vấn đề đáng lo ngại. Đặc biệt, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hoạt động cho trẻ em không được tổ chức, nhiều thời điểm học phải dừng học ở trường, trẻ em ở nhà nhiều nhưng không được quản lý chặt chẽ...

Trong phiên thảo luận tại tổ, vấn đề an ninh trật tự cũng dành được nhiều sự quan tâm, ý kiến thảo luận của các đại biểu. Đại biểu Nguyễn Ngọc Quyền (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) và đại biểu Lê Minh Chính (Tổ đại biểu huyện Sa Thầy) bày tỏ lo ngại về vấn đề an ninh nông thôn, trộm cắp, tội phạm ngày càng manh động, gây bức xúc trong nhân dân. Các đại biểu đề nghị, ngành chức năng cần có các giải pháp để ngăn chặn, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Đại biểu Võ Thanh Chín cho rằng, hiện nay, chúng ta đã có công an chính quy về cơ sở nên vấn đề an ninh phải được đảm bảo hơn. Tuy nhiên, để thực hiện tốt điều này, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; các địa phương cũng quan tâm tạo điều kiện về nơi ăn ở, hỗ trợ điều kiện làm việc cho lực lượng công an để họ phát huy vai trò đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh ngăn chặn tội phạm ở địa phương.

Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm cao, các đại biểu dành phần lớn thời gian để xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện về những ưu điểm, hạn chế trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; đưa ra các giải pháp để thực hiện thắng lợi mục tiêu của năm 2022. Ảnh: QĐ

 

Các nội dung còn nhiều băn khoăn, vướng mắc sẽ tiếp tục được các đại biểu thảo luận, góp ý trực tiếp trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 8/12. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết để HĐND tỉnh biểu quyết, thông qua.

Thùy Hương – Quang Định

Chuyên mục khác