Tập trung đánh giá, tháo gỡ các “điểm nghẽn” để thực hiện mục tiêu phát triển

08/12/2022 08:44

Với tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XII, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung phân tích, đánh giá những nội dung xoay quanh tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 và các báo cáo, tờ trình dự thảo nghị quyết; đề xuất những giải pháp, đảm bảo thực hiên hiệu quả các mục tiêu phát triển trong năm tới.
Tổ đại biểu huyện Kon Plông, Kon Rẫy, Sa Thầy thảo luận. Ảnh: ĐT

 

Đa số ý kiến các đại biểu đều thống nhất đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt của UBND tỉnh trong năm 2022. Vì thế, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh Covid -19, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn có chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế dẫn đến một số chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch đề ra như tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng nông thôn mới, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa được cải thiện; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án quan trọng còn chậm…

Phát huy trách nhiệm, trí tuệ trước cử tri, các đại biểu đã đi sâu phân tích về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, chỉ ra điểm nghẽn cần khắc phục và đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới.

Đại biểu Võ Duy Tuấn (Tổ đại biểu huyện Đăk Tô) tham gia thảo luận. Ảnh: TH

 

Quan tâm đến định hướng phát triển của tỉnh, đại biểu Võ Duy Tuấn (Tổ đại biểu huyện Đăk Tô) cho rằng người dân trên địa bàn tỉnh rất kỳ vọng về Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ tạo sức bật để Kon Tum phát triển. Tuy nhiên, trong danh mục Dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối vùng Tây Nguyên chưa thấy đề cập đến tỉnh, do đó, UBND cần quan tâm, làm rõ vấn đề này.

Đại biểu Trần Bá Tuấn (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) phát biểu thảo luận. Ảnh: TH

 

“Truy” nguyên nhân khiến chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) luôn ở nhóm thấp, đại biểu Trấn Bá Tuấn (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) nêu vấn đề, ngoài yếu tố khách quan là điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, số doanh nghiệp ít thì cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là năng lực và tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức thực thi công vụ chưa cao. Các ngành, địa phương cần có biện pháp chấn chỉnh.

Tổ đại biểu huyện Đăk Hà và Tu Mơ Rông thảo luận. Ảnh: TH

 

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 9,5%, trong khi mục tiêu tỉnh đặt ra là từ 10% trở lên, không đạt kế hoạch. Bên cạnh đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng không hoàn thành; những tồn tại, hạn chế trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, vi phạm lâm luật lặp lại nhiều năm. Trước vấn đề này, tổ đại biểu huyện Đăk Hà cho rằng cần phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm thuộc ngành nào, đơn vị nào và phải quyết liệt đề ra giải pháp khắc phục.

Đại biểu Nguyễn Tấn Liêm (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) phát biểu ý kiến tham gia thảo luận. Ảnh: TH

 

Một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, trăn trở về những vấn đề hậu thủy điện như công tác đền bù chậm, kéo dài, tái định cư không phù hợp, gây bức xúc trong nhân dân. Đồng thời, đề nghị các cấp, các ngành khi thu hồi đất đai để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cần phải quan tâm hơn nữa đến việc bồi thường, hỗ trợ ổn định đời sống người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Tổ đại biểu huyện Kon Plông) tham gia thảo luận. Ảnh: TH

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Quyền (Tổ đại biểu thành phố Kon tum) phát biểu thảo luận. Ảnh: TH

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Quyền (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) kiến nghị, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành, địa phương tham mưu xây dựng đơn giá đền bù một cách phù hợp; bố trí đất ở, đất sản xuất để người dân an cư lạc nghiệp. Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho những đối tượng có nhu cầu để đảm bảo an sinh xã hội.

Đối với một số dự án chậm tiến độ như Dự án chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn TH True milk tại xã Mô Rai (huyện Sa Thầy), dự án hồ chứa nước Đăk Pokei (huyện Kon Rẫy), dự án cầu qua sông Đăk Bla (thành phố Kon Tum)…, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần kiểm tra, đánh giá và tập trung chỉ đạo thực hiện; đồng thời, đề nghị HĐND tăng cường giám sát trong thời gian tới.

Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu HĐND tỉnh tại Kỳ họp này, trong đó, nổi cộm là vấn đề trồng rừng, công tác xây dựng nông thôn mới.

Đại biểu A Dân (Tổ đại biểu huyện Tu Mơ Rông) phát biểu ý kiến thảo luận. Ảnh: TH

 

Theo đại biểu A Dân (Tổ đại biểu huyện Tu Mơ Rông), theo kết quả báo cáo, diện tích trồng rừng đạt cao, nhưng qua kiểm tra thực tế, tỷ lệ cây chết rất nhiều do mức hỗ trợ thấp nên người dân chưa chú trọng chăm sóc, bảo vệ.

Về xây dựng nông thôn mới, nhiều đại biểu cho rằng nhiều địa phương triển khai vẫn chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có đánh giá cụ thể, thực chất về kết quả thực hiện chỉ tiêu trồng cây ăn quả, dược liệu và làm rõ những giải pháp giải quyết đầu ra cho cây dược liệu và cây ăn quả.

Nhiều vấn đề trên lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được các đại biểu bàn bạc, thảo luận sâu.

Đại biểu Phan Thị Thủy (Tổ đại biểu huyện Ngọc Hồi) tham gia thảo luận. Ảnh: TH

 

Đại biểu Phan Thị Thủy (Tổ đại biểu huyện Ngọc Hồi) nêu vấn đề, hiện nay, việc phát triển bảo hiểm y tế trong học sinh, sinh viên còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tham gia thấp, đề nghị UBND tỉnh bổ sung thêm giải pháp nhằm thực hiện đảm bảo chỉ tiêu này theo quy định của Chính phủ.

Thời gian qua, việc chi trả chế độ cho học sinh bán trú, giáo viên còn chậm,  vì vậy, các đại biểu thuộc tổ đại biểu huyện Kon Plông, Kon Rẫy và Sa Thầy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của ngành chức năng, các cấp chính quyền.

Đại biểu Rơ Châm Đào (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) phát biểu thảo luận. Ảnh: TH

 

Cũng liên quan đến vấn đề giáo dục, đại biểu Rơ Châm Đào (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) nêu thực trạng, cơ sở vật chất nhiều trường học trên địa bàn thành phố xuống cấp, không đủ số phòng học. Trong thời gian tới, UBND tỉnh cần quan tâm bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp, xây mới, đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đại biểu thảo luận về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh và đề nghị các cấp các ngành vào cuộc quyết liệt nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật, thanh thiếu niên hư, tiếp xúc với rượu bia sớm.

Đại biểu Nguyễn Hồng Nhật (Tổ đại biểu huyện Kon Rẫy) phát biểu ý kiến thảo luận. Ảnh: ĐT

 

 
Tổ đại biểu huyện Đăk Glei, Ia H'Drai, Ngọc Hồi thảo luận. Ảnh: ĐT

 

Các đại biểu cũng cho rằng, các dự thảo nghị quyết dự kiến được thông qua tại Kỳ họp này đều rất đúng đắn, kịp thời, làm cơ sở cho hoạt động quản lý, điều hành trên địa bàn tỉnh. 

Có thể nói, phiên thảo luận tại tổ đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn. Các vấn đề được các đại biểu HĐND tỉnh nêu ra đều trọng tâm, sát thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân. Qua đó, giúp các cấp, các ngành nắm bắt, điều chỉnh và đề ra các giải pháp phù hợp, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Thùy Hương

Chuyên mục khác