Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

30/12/2014 15:18

Hội thảo khu vực miền Trung - Tây Nguyên với chủ đề “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị” do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại khách sạn Đông Dương (TP Kon Tum) vào ngày 29/12. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì Hội thảo.
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: L.H

 

Dự Hội thảo có đồng chí Hà Ban - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; Thường trực Tỉnh ủy - HĐND -UBND-UBMTTQVN tỉnh Kon Tum; các đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND các tỉnh trong khu vực.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và sự tham gia đầy đủ của phụ nữ vào việc ra quyết định là yếu tố then chốt để thúc đẩy bình đẳng giới trong tất cả các lĩnh vực. Trong những năm gần đây, việc tăng cường tỷ lệ nữ trong nghị viện nói riêng và trong lĩnh vực chính trị nói chung được nhiều quốc gia quan tâm và xem như một tiêu chí để đánh giá và so sánh mức độ bình đẳng giới giữa các quốc gia. Xác định bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là nhân tố góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Việt Nam luôn quan tâm tới việc thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được thể hiện xuyên suốt trong các Nghị quyết Đại hội Đảng, các nghị quyết và Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà tiêu biểu là Nghị quyết số 11 ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận, thảo luận thẳng thắn ở các vấn đề: Đại biểu nữ tham gia các cơ quan dân cử; Vai trò của Ủy ban MTTQVN đối với việc bảo đảm bình đẳng giới trong bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu HĐND; Tình hình cán bộ nữ tham gia các cấp ủy Đảng, tham gia lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành pháp; các giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ; chia sẻ kinh nghiệm trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị; đề xuất các giải pháp tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị; kiến nghị với Đảng, Nhà nước về việc tăng cường các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia lĩnh vực chính trị…

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Hà Ban cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phụ nữ về những thách thức đối với sự tham gia của phụ nữ ở lĩnh vực chính trị, Kon Tum xây dựng kế hoạch, chương trình nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Luật Bình đẳng giới và thực hiện có kết quả, bước đầu tác động tích cực đến công tác phụ nữ, tạo được sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, của xã hội, gia đình và của bản thân người phụ nữ.

Với nhiều ý kiến đóng góp tích cực trên tinh thần sôi nổi, trách nhiệm, Hội thảo đã đưa ra bức tranh tổng thể về hiện trạng sự tham gia của phụ nữ cả nước nói chung và khu vực miền Trung- Tây Nguyên nói riêng trong lĩnh vực chính trị; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm để làm rõ những thuận lợi, khó khăn và tìm ra những giải pháp thiết thực nhằm tăng cường tỷ lệ phụ nữ tham gia trong các cấp uỷ đảng, cơ quan dân cử, cơ quan quản lý Nhà nước trong các nhiệm kỳ tới; cùng với đó là đóng góp ý kiến vào việc hoàn thiện dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian tới.

Trước đó, chiều 28/12, từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác đã đi thăm, tặng 1 chiếc ti vi và 20 triệu đồng cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; tặng 10 triệu đồng cho Trung tâm công tác xã hội thành phố Kon Tum; tặng quà cho 8 cháu và tặng 20 chiếc xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Tặng quà các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: Liễu Hạnh

Liễu Hạnh

Chuyên mục khác