Sôi nổi, trách nhiệm trong thảo luận tại tổ

09/07/2024 19:40

Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XII, trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu HĐND đã thẳng thắn phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng về tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm và các vấn đề quan trọng khác. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, trọng tâm, giúp các cấp, ngành có định hướng, chỉ đạo quyết liệt hơn, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra năm 2024.

Quyết liệt thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế

Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế, đa số các đại biểu đều thống nhất đánh giá, với sự nỗ lực, đồng lòng của các cấp, ngành, đặc biệt sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của UBND tỉnh, “bức tranh” kinh tế 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng. Nổi bật nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục dẫn đầu trong khu vực Tây Nguyên (đạt 6,47%). Tuy nhiên, thực tế nhìn nhận, vẫn còn những chỉ tiêu, mục tiêu chưa đạt như kỳ vọng.

Đại biểu Dương Văn Trang- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (Tổ đại biểu huyện Kon Plông) cho rằng, dù mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn bình quân chung của cả nước nhưng không đáng kể, đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp quyết liệt để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là từ 10% trở lên như Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm, của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công khi 6 tháng đầu năm toàn tỉnh mới chỉ giải ngân đạt 39% so với thực nguồn kế hoạch vốn giao.

Đại biểu Dương Văn Trang (tổ đại biểu huyện Kon Plông) phát biểu tại phiên thảo luận Tổ. Ảnh: T.H

 

Đây cũng là vấn đề được đại biểu Rơ Chăm Long (Tổ đại biểu huyện Đăk Hà) trăn trở. Đại biểu này đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan đơn vị cần nhìn nhận, đánh giá cụ thể, sát thực tiễn để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, cần chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.

Trước tình hình thu ngân sách nhà nước đạt thấp (đạt 38,9% dự toán), đại biểu Xiêng Thanh Phúc (Tổ đại biểu huyện Ngọc Hồi) đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp căn cơ để chống thất thu thuế, thu hồi nợ đọng thuế của các doanh nghiệp, góp phần tăng thu cho ngân sách.

Trong phiên thảo luận tổ, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn nhận được  nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu HĐND tỉnh nhất.

Theo đại biểu Võ Thanh Chín (Tổ đại biểu huyện Đăk Hà), thời gian qua, thực hiện chương trình OCOP, số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh không ngừng gia tăng, hiện có 236 sản phẩm OCOP còn hiệu lực. Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị cần có nhìn nhận, đánh giá về việc tiêu thụ, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP tỉnh ta trên thị trường, việc phát huy thương hiệu, nhãn hiệu OCOP giúp mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Một số đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng, địa phương rà soát, đánh giá lại tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh và có những giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn để vừa nâng cao số lượng, vừa đảm bảo chất lượng nông thôn mới, tránh chạy theo thành tích.

Tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc

Trong phiên thảo tại tổ, nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua đã được các đại biểu nêu ra, kiến nghị các cấp, ngành sớm có giải pháp khắc phục như bấp cập trong vấn đề đất đai, hỗ trợ tái định cư, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Đại biểu Hồ Văn Đà (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc xác định nguồn gốc đất, tạo điều kiện cho người dân làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, cho phép điều chỉnh việc đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất để tạo thuận lợi cho người dân và góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách.

Liên quan đến vấn đề đất đai, đại biểu Xiêng Thanh Phúc đề nghị, các ngành, địa phương cần điều tra, rà soát lại số liệu về đất ở, đất sản xuất trong vùng đồng bào DTTS; có thống kê cụ thể, chính xác hơn về tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất; trên cơ sở tham mưu, đề xuất với các cấp có thầm quyền giải pháp khắc phục hiệu quả.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng lâu nay luôn là “điểm nghẽn” đối với nhiều địa phương, do đó, tổ đại biểu huyện Đăk Glei và thành phố Kon Tum kiến nghị UBND tỉnh cần có giải pháp xác định giá đất, áp giá bồi thường nhằm đảm bảo quyền lợi và tạo được sự thống nhất trong nhân dân; đồng thời, có phương án đảm bảo ổn định đời sống cho người dân có đất thu hồi thực hiện các dự án.

Một số đại biểu bày tỏ trăn trở về tình trạng sinh con thứ ba trở lên, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vẫn còn xảy ra trong vùng đồng bào DTTS. Vì vậy, các đại biểu đề nghị, cần phải có giải pháp phù hợp, hiệu quả để giải “bài toán” nan giải này.

Lo lắng về vấn đề tai nạn giao thông gia tăng, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung thảo luận, làm rõ về nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm góp phần kéo giảm tai nạn.

Đại biểu Lê Ngọc Tuấn (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) cho rằng, thời gian qua, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên, ý thức và trách nhiệm của người tham gia giao thông chưa cao, còn tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu nên tai nạn giao thông gia tăng.

Đồng tình với ý kiến này, Tổ đại biểu huyện Kon Rẫy kiến nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong nhân dân và các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường hay xảy ra tai nạn giao thông; có giải pháp mở rộng tầm nhìn tại các vị trí đường quanh co, nơi giao cắt giữa các tuyến đường để người điều khiển phương tiện dễ quan sát, lưu thông an toàn.

Đối với việc giải quyết kiến nghị của cử tri, nhiều đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành, đơn vị tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong trả lời kiến nghị của cử tri, giữ đúng cam kết và lời hứa với cử tri. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền thì phải giải quyết dứt điểm cho cử tri, nội dung vượt khả năng thì giải thích cho cử tri hiểu rõ, tránh việc kiến nghị nhiều lần và làm giảm niềm tin của cử tri đối với đại biểu HĐND tỉnh và các cơ quan nhà nước.

Có thể nói, phiên thảo luận tại tổ đã diễn ra thực sự sôi nổi, thẳng thắn và nghiêm túc. Các đại biểu thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, phát huy dân chủ, trí tuệ, đóng góp các ý kiến sát đáng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thùy Hương – Đức Thành

 

Ý kiến các đại biểu tham gia Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh:

Đại biểu Ka Ba Thành (Tổ đại biểu huyện Tu Mơ Rông)

 

 

Trước Kỳ họp thứ 7 này, khi tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông quan tâm và mong muốn các đơn vị triển khai nhanh, kịp thời hơn nữa khi thực hiện các chính sách của Nhà nước liên quan thiết thực đến cuộc sống người dân như thực hiện các chương trình MTQG; công tác quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch chung của tỉnh, của huyện và của xã; công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng; hỗ trợ gạo cho người DTTS và người dân tộc Kinh là hộ nghèo sinh sống ở vùng khó khăn tham gia công tác trồng rừng. Vì thế, mong muốn các ý kiến, kiến nghị của cử tri sẽ sớm được các cơ quan, đơn vị giải quyết kịp thời và thấu đáo, giúp người dân ổn định, nâng cao đời sống.

Đại biểu Y Sâm (Tổ đại biểu huyện Sa Thầy)

 

Trong các buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7 của HĐND tỉnh, nhiều cử tri huyện Sa Thầy nêu ý kiến, kiến nghị tập trung về việc quan tâm vốn đầu tư xây dựng một số tuyến đường giao thông, hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ cho việc đi lại, sản xuất của nhân dân; có giải pháp đẩy mạnh thu ngân sách địa phương và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình MTQG để tổ chức thực hiện các chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 của địa phương. Qua các báo cáo của UBND tỉnh, các ngành trình tại Kỳ họp thứ 7, tôi rất vui khi hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Sa Thầy cũng như các ý kiến của các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ đều được UBND tỉnh và các sở, ngành quan tâm, trả lời, giải quyết kịp thời, tạo niềm tin đối với cử tri.     

Đại biểu Rơ Chăm Đào (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum)

 

 

Tôi cơ bản thống nhất với những đánh giá kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2024. Điều mừng nhất là mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực chung, tỉnh ta vẫn có tốc độ tăng trưởng khá, đạt 6,47%, đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố và cao nhất trong khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn tồn tại một số vấn đề, như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch chỉnh trang đô thị còn gặp nhiều khó khăn, bất cập; giải ngân vốn đầu tư đạt thấp. Tôi rất mong các cấp, các ngành cần tập trung triển khai đồng bộ quyết liệt hơn các giải pháp căn cơ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế- xã hội của năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã đề ra trong năm.      

Đức Thành (thực hiện)

Chuyên mục khác