Sôi nổi, trách nhiệm, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm

08/07/2022 09:40

Trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) diễn ra chiều 7/7, với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm cao, các đại biểu HĐND tỉnh tập trung đánh giá về các chỉ tiêu tăng trưởng, kết quả đạt được và chưa đạt được trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội; thảo luận về những vấn đề được cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm.

Nông nghiệp, nông thôn được quan tâm hàng đầu

Đa số các ý kiến đều thống nhất đánh giá, trong nửa đầu năm, các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh; nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội quan trọng đạt được tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, những vấn đề về nông nghiệp, nông thôn vẫn khiến nhiều đại biểu trăn trở, đặt câu hỏi. Nhất là công tác trồng rừng, phát triển cây ăn trái, sâm Ngọc Linh, xây dựng nông thôn mới...

Đại biểu Đào Duy Khánh (Tổ đại biểu huyện Kon Plông) phát biểu thảo luận. Ảnh: TH

 

Đại biểu Đào Duy Khánh (Tổ đại biểu huyện Kon Plông) cho rằng, việc giao chỉ tiêu trồng rừng hiện nay chưa sát thực tế. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng rà soát, đánh giá lại thực trạng đất lâm nghiệp, diện tích đất có thể trồng rừng để giao chỉ tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương; có chính sách hỗ trợ để thu hút được người dân tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Để mở rộng diện tích cây ăn trái, đa số đại biểu thống nhất với gợi mở của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang về việc vận động nhân dân trồng cây ăn trái. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần phải có phương án cụ thể.

Đại biểu Hồ Văn Đà (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) phát biểu ý kiến thảo luận. Ảnh: TH

 

Đại biểu Hồ Văn Đà (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) đề xuất UBND tỉnh nên bổ sung nội dung vận động, hỗ trợ mỗi hộ dân trồng tối thiểu 10 cây ăn quả phù hợp với quy hoạch, định hướng, xây dựng liên kết với các nhà máy để tiêu thụ sản phẩm. 

Việc thực hiện chỉ tiêu trồng rừng trồng và cây ăn trái cũng là nội dung được đại biểu Trần Hoàn (Tổ đại biểu huyện Tu Mơ Rông) nêu ra. Đại biểu Trần Hoàn cho rằng, cần xây dựng quy hoạch chi tiết vùng nào trồng rừng, vùng nào trồng cây ăn trái cho phù hợp. Đặc biệt, cần đánh giá đúng thực trạng đất đai khi giao chỉ tiêu trồng rừng, bởi trên thực tế có nhiều diện tích đất lâm nghiệp, nhưng người dân đã canh tác, sản xuất nông nghiệp từ rất lâu; đồng thời, xem xét nâng mức hỗ trợ trồng rừng để nâng cao trách nhiệm của người dân.

Đại biểu Trần Hoàn (Tổ đại biểu huyện Tu Mơ Rông) phát biểu ý kiến thảo luận. Ảnh: QĐ

 

Triển khai các giải pháp trong phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu, quy hoạch vùng trồng để cải thiện thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo cũng là vấn đề mà Tổ đại biểu huyện Ngọc Hồi đặt ra.

Trước thực trạng hàng nghìn cây sâm Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei bị chết trong thời gian vừa qua, đại biểu Đào Duy Khánh (Tổ đại biểu huyện Kon Plông) đề nghị UBND chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đánh giá lại quy hoạch vùng trồng, quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh và mời các chuyên gia, nhà khoa học vào nghiên cứu, đưa ra hướng diệt trừ mầm bệnh nhằm hạn chế thiệt hại cho người trồng, bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Về vấn đề phát triển diện tích sâm Ngọc Linh trên địa bàn và bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, đại biểu Trần Hoàn thì đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng mua bán Sâm Ngọc Linh giả; có chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là các hộ trồng Sâm Ngọc Linh có diện tích thiệt hại lớn.

Xây dựng nông thôn mới là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đại biểu Đào Duy Khánh thì khó khăn nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa là việc giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

.
Đại biểu Trần Bá Tuấn (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) phát biểu ý kiến. Ảnh: TH

 

Đại biểu Trần Bá Tuấn (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) thì băn khoăn, đó là sau khi các xã về đích nông thôn mới, nhưng đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị UBND tỉnh có giải pháp để đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện thu nhập cho người dân.

Các vấn đề phát triển sản phẩm OCOP, nâng hạng sản phẩm OCOP, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã cũng được một số đại biểu đưa ra.

Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế

Tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là những bất cập trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, an ninh trật tự... Những điều này đã tác động không nhỏ đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

Theo đại biểu Phan Thị Thủy (Tổ đại biểu huyện Ngọc Hồi) để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cần đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với trách nhiệm của các huyện, thành phố trong việc xác định nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường, đề ra phương hướng đào tạo phù hợp và phát huy hiệu quả sau đào tạo.

Một số đại biểu cho rằng, cần thành lập tổ công tác đặc biệt thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các ngành chức năng giải quyết kịp thời, dứt điểm những vướng mắc về thủ tục hành chính.

Về việc giải quyết thủ tục đất đai, đại biểu Trần Bá Tuấn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố cần chấn chỉnh và nhanh chóng khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nâng cao trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ, tạo thuận lợi cho người dân khi làm thủ tục.

Đại biểu Y Sâm và đại biểu Lê Minh Chính (Tổ đại biểu huyện Sa Thầy) phát biểu ý kiến thảo luận. Ảnh: QĐ

 

Tổ đại biểu huyện Sa Thầy, Đăk Tô và Ia H’Drai đề nghị, UBND chỉ đạo các ngành chức năng chấn chỉnh tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục về lĩnh vực đất đai.

Về những tồn tại, hạn chế trong báo cáo kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2022, đại biểu Võ Thanh Chín (Tổ đại biểu huyện Đăk Hà) nêu ý kiến: Những nội dung  như bồi thường giải phóng mặt bằng, vi phạm lâm luật, cải cách hành chính, giải ngân vốn đầu tư công… kéo dài khá lâu. Đề nghị, UBND tỉnh xem xét, xác định rõ trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào và đề ra giải pháp căn cơ, quyết liệt để khắc phục tình trạng này.

Một số đại biểu đề nghị các cấp, các ngành cần có giải pháp hợp lý đối với việc giải quyết bồi thường cho những hộ dân bị thu hồi đất khi thi công các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ; giải quyết dứt điểm vấn đề đền bù của thủy điện, đầu tư hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Kon Tum.

Những vấn đề về an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng làm nóng phiên thảo luận với nhiều ý kiến của các đại biểu nêu ra.

Theo đó, Tổ đại biểu thành phố Kon Tum đề nghị ngành công an xác định rõ nguyên nhân tình trạng vi phạm pháp luật gia tăng 6 tháng đầu năm 2022; vấn đề lừa đảo qua mạng, tín dụng đen gia tăng và ngày càng phức tạp, xử lý tin báo tố giác tội phạm chưa quyết liệt gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Ngoài ra, các đại biểu tích cực tham gia ý kiến đóng góp đối với các tờ trình Dự thảo Nghị quyết Phát triển Thanh niên tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 – 2030; Quy định mức học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023; việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách địa phương năm 2022...

Nhìn chung, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, thẳng thắn. Các vấn đề được các đại biểu HĐND tỉnh nêu ra đúng trọng tâm, trọng điểm, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và trăn trở đối với sự phát triển của tỉnh. Qua đó, giúp các cấp, các ngành, các địa phương nắm bắt rõ hơn, đưa ra hướng chỉ đạo điều hành và giải pháp phù hợp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Thùy Hương - Quang Định

Chuyên mục khác