Sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn

11/07/2019 17:20

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XI, sáng 11/7, các đại biểu chất vấn UBND tỉnh, các sở ngành và nghe trả lời chất vấn về một số vấn đề “nóng” mà cử tri quan tâm.

Có 5 lượt đại biểu HĐND tỉnh chất vấn và tranh luận. Các nhóm vấn đề được đại biểu HĐND tỉnh lựa chọn đều là những vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng, bức xúc, được cử tri cũng như dư luận xã hội và nhân dân quan tâm.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Lê Minh Chính (Tổ đại biểu huyện Sa Thầy) đặt câu hỏi với lãnh đạo UBND tỉnh về chỉ tiêu độ che phủ rừng năm 2018 không đạt; giải pháp phủ xanh đất trống, đồi trọc gắn với việc phát triển kinh tế rừng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên rừng?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Hữu Tháp cho biết, nguyên nhân chỉ tiêu độ che phủ rừng năm 2018 không đạt, cụ thể là thấp hơn so với Nghị quyết số 27/2017/NQ-HĐND tỉnh phê duyệt ngày 08 tháng 12 năm 2017 là 0,59% là do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa kịp thời cập nhật diện tích rừng trồng đã hết thời gian xây dựng cơ bản đảm bảo tiêu chí thành rừng để đưa vào diện tích có rừng chung của tỉnh. Trên thực tế, tổng diện tích có rừng của tỉnh đến cuối năm 2018 là 608.989,0 ha, tương tứng với độ che phủ rừng đạt 62,95%.

Để phủ xanh diện tích đất trống, đồi núi trọc hiện nay gắn với việc phát triển kinh tế rừng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, các huyện, thành phố triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp quan trọng như thực hiện giao khoán kết hợp phát triển sinh kế; hỗ trợ người dân trồng rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng; thí điểm trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu dưới tán rừng đặc dụng kết hợp bảo vệ rừng bền vững - đồng chí Nguyễn Hữu Tháp giải đáp.

Đại biểu Lê Minh Chính (Tổ đại biểu huyện Sa Thầy) chất vấn. Ảnh: VP

 

Vấn đề một số nhà máy thủy điện chậm triển khai làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên địa bàn huyện Đăk Glei được đại biểu Y Thanh (Tổ đại biểu huyện Đăk Glei) nêu ra tại phiên chất vấn. Cụ thể, Dự án thủy điện Đăk Mi 1 do Công ty cổ phần Quang Đức Kon Tum thực hiện không đúng tiến độ làm ảnh hưởng đến đời sống của 32 hộ dân. Sở Công thương đã kiểm tra, xử lý các trường hợp trên và một số dự án thủy điện đầu tư trên địa bàn huyện Đăk Glei hiệu quả thấp; giải pháp nào để ổn định cuộc sống, tránh gây bức xúc kéo dài? Đại biểu Y Thanh chất vấn lãnh đạo Sở Công thương.

Đăng đàn trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Y Thanh, ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công thương cho biết, sở dĩ Dự án thủy điện Đăk Mi 1 triển khai trên địa bàn xã Đăk Choong chậm tiến độ là do trong quá trình triển khai phải điều chỉnh quy hoạch nên cần có thời gian chờ Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) phê duyệt; mặt khác, do thời gian đơn vị tiến hành chuyển nhượng cổ phần.

Ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công thương trả lời chất vấn. Ảnh: VP

 

Qua khảo sát cho thấy, hiện nay trên địa bàn huyện Đăk Glei có 11 dự án thủy điện với tổng quy mô công suất 150,5 MW, có 8 dự án đã có chủ trương đầu tư. Những dự án chậm tiến độ, tạm dừng thi công là do hiện nay hệ thống lưới điện trên địa bàn huyện Đăk Glei chưa có đường dây và trạm biến áp 110 kV để phục vụ đấu nối các nhà máy thủy điện. Thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư công trình thủy điện phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan thực hiện đảm bảo công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng để thi công các công trình thủy điện.

Đối với công tác quản lý quy hoạch, đại biểu Phan Thị Thủy (Tổ đại biểu Ngọc Hồi) nêu thực trạng: Hiện nay tại các khu vực đô thị đang hình thành các khu dân cư nhỏ lẻ theo hình thức nhà đầu tư nhận chuyển nhượng đất của người dân, xây nhà và bán lại cho người có nhu cầu mà không theo quy hoạch; người dân có đất tự đầu tư đường nội bộ, sau đó chia lô bán đất… không đảm bảo các tiêu chí về hình thành khu dân cư đô thị, điều này dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch. Vậy ngành Xây dựng cần phải có biện pháp quản lý như thế nào?

Đại biểu Phan Thị Thủy (Tổ đại biểu Ngọc Hồi) chất vấn. Ảnh: VP

 

Ông Nguyễn Quang Hải - Giám đốc Sở Xây dựng xác nhận, qua theo dõi và kiểm tra thực tế, tình trạng các khu nhà ở tự hình thành chủ yếu diễn ra trên địa bàn thành phố Kon Tum. Một số tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng và thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền tại một số vị trí.

Ông Nguyễn Quang Hải chỉ ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng này. Trong đó, ông thẳng thắn nhận trách nhiệm của người đứng đầu ngành Xây dựng trong công tác chỉ đạo quản lý, kiểm tra, giám sát vấn đề này. Đồng thời, đề ra giải pháp, trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tự mở đường, phân lô, bán nền; tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý đất đai, quản lý quy hoạch xây dựng khi làm thủ tục chuyển mục đích đất; xử lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Ông Nguyễn Quang Hải - Giám đốc Sở Xây dựng trả lời chất vấn. Ảnh: VP

 

Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản cũng là một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi chất vấn. Đại biểu Y Hảo (huyện Kon Rẫy) đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh làm rõ thực trạng, có biện pháp quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

Trả lời chất vấn, ông Phạm Đức Hạnh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện tại có 51 điểm mỏ thuộc diện phải lắp đặt trạm cân và camera giám sát. Tuy nhiên, tiến độ lắp đặt trạm cân và camera giám sát còn chậm, hiện mới có 1 điểm mỏ thực hiện lắp đặt trạm cân và 40/51 điểm mỏ lắp đặt camera…  

“Sở yêu cầu các điểm mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường có công suất khai thác từ 50.000m3/năm trở lên và các dự án khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường có công suất khai thác từ 25.000m3/năm trở lên phải hoàn thành việc lắp đặt trạm cân và hệ thống camera giám sát hoàn thành trong Quý III/2019. Các điểm mỏ còn lại hoàn thành trong Quý II/2020” - ông Hạnh cho biết thêm.

Ông Phạm Đức Hạnh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn. Ảnh: VP

 

“Nóng” trong phiên chất vấn là việc tạm dừng tuyển dụng công chức cấp xã.

Về vấn đề này, đại biểu Thái Văn Ngọc (Tổ đại biểu huyện Kon Rẫy) đặt ra hàng loạt câu hỏi chất vấn dành cho Sở Nội vụ: Theo tôi được biết, tỉnh ta đến năm 2021 không có đơn vị cấp xã nào thuộc diện phải sắp xếp; lý do của việc dừng tuyển dụng là gì? Điều này gây ra khó khăn như thế nào cho hoạt động của chính quyền cấp xã? Giải pháp nào để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã nơi thiếu công chức?

Đại biểu Thái Văn Ngọc (Tổ đại biểu huyện Kon Rẫy) chất vấn. Ảnh: VP

 

Theo trả lời của ông A Cường - Giám đốc Sở Nội vụ, qua rà soát toàn tỉnh có 27 xã thiếu 1 trong 2 tiêu chí về dân cư hoặc diện tích theo quy định của Chính phủ nên Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản tạm dừng tuyển dụng công chức cấp xã. Mặt khác, thời gian qua, tỉnh ta triển khai việc đưa công an chính quy về xã, phường nên các địa phương đang tiến hành bố trí việc làm cho đội ngũ nguyên là công an xã. Việc tạm dừng tuyển dụng công chức cấp xã nhằm để rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức xã phù hợp với thực tế sau đó nếu địa phương nào thiếu thì sẽ tham mưu tuyển dụng.

Tuy nhiên, phần trả lời của ông A Cường không thuyết phục được các đại biểu và chủ tọa kỳ họp.

Ông A Cường - Giám đốc Sở Nội vụ trả lời chất vấn. Ảnh: VP

 

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tọa kỳ họp cho rằng, thực hiện việc dừng tuyển dụng công chức cấp xã là không phù hợp với tình hình thực tế địa phương, mang tính cơ học. Nhiều địa phương thiếu những vị trí quan trọng, thiếu nhiều biên chế, gây khó khăn cho hoạt động của chính quyền địa phương và làm cản trở tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng đề nghị UBND tỉnh thu hồi ngay văn bản này, địa phương nào thiếu cán bộ, trong thẩm quyền chủ tịch UBND các huyện xem xét tuyển dụng để đảm bảo hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương, ưu tiên tuyển dụng những cán bộ đã được đào tạo.

Hoạt động chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Chủ tọa điều hành hết sức linh hoạt, mềm dẻo, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc; cách thức chất vấn được đổi mới, câu hỏi đặt ra ngắn gọn, người trả lời đi thẳng vào vấn đề, không né tránh.

Các cơ quan được chất vấn đã trả lời khá đầy đủ những nội dung được các đại biểu đặt ra, thể hiện khả năng nắm chắc tình hình ngành, lĩnh vực phụ trách. Cách trả lời thẳng thắn, đi vào trọng tâm vấn đề và giải trình rõ những vấn đề đại biểu nêu. Đồng thời, các đơn vị được chất vấn cam kết khắc phục những hạn chế, tồn tại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, tạo sự chuyển biến trong thực thi công vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thùy Hương - Văn Phương

Chuyên mục khác