27/02/2020 17:02
|
Năm 2019, ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và khống chế kịp thời 4 ổ dịch Cúm gia cầm (A/H5N6) tại 5 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Ngọc Hồi với tổng số gia cầm bị tiêu hủy là 4.271 con. Đối với đàn gia súc, tỉnh ta khống chế kịp thời 4 ổ dịch tai xanh tại 4 hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Kon Tum và huyện Đăk Tô với tổng gia súc mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 104 con lợn; khống chế, dập tắt dịch bệnh lở mồm long móng phát sinh trên 4.202 con gia súc, thực hiện tiêu hủy 4.016 con gia súc và chữa khỏi cho 186 con trâu, bò bị lở mồm long móng.
Ngày 22/5/2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi phát sinh trên đàn lợn tại thôn 1 (xã Ia Tơi, huyện Ia HD’rai) và sau đó tiếp tục lan rộng ra trên tất cả các huyện, thành phố; đến nay trên địa bàn tỉnh còn 5 xã, phường còn dịch với tổng số 7.252 con lợn của 1.355 hộ chăn nuôi đã tiêu hủy.
Mặc dù hiện tại tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được khống chế, tuy nhiên, với đặc điểm chăn nuôi nhỏ lẻ cùng với những tác động xấu của biến đổi khí hậu, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi trong thời gian đến là rất cao.
Trong thời gian đến, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn; tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh động vật và sản phẩm động vật, giết mổ động vật trên địa bàn, hướng dẫn các giải pháp phát triển chăn nuôi hướng trang trại, gia trại quy mô lớn; liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị.
Ngành thú y và các địa phương tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, kiểm tra xác minh dịch bệnh; triển khai, giám sát việc thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin và khử trùng tiêu độc; giám sát chặt chẽ tình hình kinh doanh, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc và các cơ sở, điểm giết mổ gia súc, kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh, giết mổ, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trái phép, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y. Các huyện, thành phố tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện tái đàn theo đúng quy định; kiên quyết xử lý các trường hợp tái đàn không đúng quy định, không khai báo, không được kiểm soát...
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp khẳng định, năm 2019 là năm mà tình hình dịch bệnh động vật kéo dài, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi và kinh tế chung của tỉnh; nhưng ngành Nông nghiệp và các địa phương đã có những cố gắng vượt bậc trong công tác phòng chống dịch bệnh, qua đó góp phần giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp lưu ý, các ngành chức năng và các địa phương cần nhận thấy rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thời gian qua; nhất là công tác tổ chức quản lý chăn nuôi, kiểm tra, giám sát hoạt động giết mổ, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân chủ động khai báo, không giấu dịch chưa hiệu quả. Vì vậy, thực hiện nhiệm vụ năm 2020, ngành Nông nghiệp, các địa phương cần triển khai quyết liệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là dịch tả lợn Châu Phi; chủ động tổ chức tiêm phòng vác xin, khử trùng tiêu độc; kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thú y nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi.
Thùy Hương