Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến

29/08/2019 14:50

Sáng 29/8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh Kon Tum” với các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TH

 

Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh Kon Tum”, đến nay, tổng diện tích trồng trọt theo hướng ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 7.600 ha, áp dụng các công nghệ như chuyển gene trong chọn tạo giống cây ăn quả, rau; công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật để áp dụng cho nhân giống quy mô công nghiệp; công nghệ tưới tiết kiệm nước; công nghệ cao trong ứng dụng vật liệu mới như ứng dụng nano, bạt phủ trong giữ ẩm đất... Trên địa bàn tỉnh có khoảng 90% cơ sở chế biến thực phẩm nông thủy sản đã sử dụng máy móc, công nghệ để chế biến sản phẩm. Hình thức sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao có xu hướng tăng về số lượng và quy mô. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi được chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát dịch bệnh, góp phần tăng năng suất, hiệu quả trong chăn nuôi. Toàn tỉnh hiện có 14 trang trại liên kết với các doanh nghiệp thực hiện việc chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao theo hình thức các doanh nghiệp đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y, thuốc sát trùng, vắc xin tiêm phòng, hỗ trợ kỹ thuật và đảm bảo thị trường tiêu thụ, còn người dân đầu tư chuồng trại, công chăm sóc và thực hiện chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật…

Năm 2017, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng và thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen được quy hoạch tổng diện tích 170 ha; đến nay đã bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 là 26,517 tỷ đồng. UBND huyện Đăk Hà và thành phố Kon Tum đã lựa chọn vị trí đất dự kiến xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đã hình thành vùng sản xuất rau, hoa, củ, quả an toàn tại thôn Măng Đen, xã Đăk Long, huyện Kon Plông và vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đăk Hà…

Công tác xúc tiến thương mại, thị trường tiêu thụ; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến đã có chuyển biến tích cực…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hòa cho rằng, sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng chưa thực sự được như kỳ vọng của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa yêu cầu, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xây dựng bài bản chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ gắn với việc xây dựng mỗi xã một sản phẩm đặc trưng để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển mạnh mẽ, đem lại hiệu quả cao trong kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân. Các sở, ngành, địa phương, nhà đầu tư cần vào cuộc, đầu tư nghiên cứu thị trường để tiến hành sản xuất ra các sản phẩm có giá trị, phù hợp với nhu cầu của người dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh, bên cạnh việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các ngành, các địa phương cần phải nghiên cứu, triển khai các dự án sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra các sản phẩm sạch đưa vào các siêu thị, nhà hàng và cung cấp cho thị trường. Các doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải liên kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh để có nguồn nhân lực chất lượng và tạo ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường...

Thùy Hương

 

Chuyên mục khác