10/11/2022 22:22
|
|
Qua 2 năm triển khai Đề án, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai phong trào của các cơ quan, đơn vị, địa phương được thực hiện thống nhất, đồng bộ, có những chuyển biến tích cực.
Việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự được đẩy mạnh; nội dung, hình thức, chất lượng của phong trào được đổi mới, nâng cao, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Đến nay, toàn tỉnh có 48 mô hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, đã gắn kết, cùng phát triển với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác, trong đó nhiều mô hình, điển hình tiên tiến được nhân rộng, như: "Mô hình dân vận khéo: 24 giờ trải nghiệm", "Đơn vị dân vận khéo - hạnh phúc cùng thôn, làng" đã được Bộ Công an nhân rộng trên toàn quốc.
Tình hình tội phạm giảm mạnh; nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự đã được phát hiện và giải quyết kịp thời tại cơ sở... góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
|
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa ghi nhận, biểu dương những kết quả mà Công an tỉnh đạt được trong thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ thời gian qua. Đồng thời đề nghị lực lượng công an các cấp tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 111-KH/TU, ngày 23/9/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận số 44-KL/TW, ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới" và Đề án số 01 của Đảng ủy Công an tỉnh.
Nghiên cứu đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Trong đó, nội dung tuyên truyền cần biên tập thành đề cương, ngắn gọn, dễ nói, dễ hiểu, dễ nhớ phù hợp với từng địa bàn, lĩnh vực và nhận thức theo nhóm đối tượng, kết hợp giữa các phương pháp truyền thống với việc ứng dụng công nghệ thông tin (như báo điện tử, mạng xã hội...) để mọi tầng lớp nhân dân nắm vững; chú ý những việc làm, nội dung giúp cho người dân hiểu được quyền và nghĩa vụ của người tố giác tội phạm.
Chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng và nhận rộng các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ gia đình đến cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, vùng đồng bào DTTS, khu vực biên giới.
Quan tâm xây dựng, phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể, trưởng thôn, già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS và cộng đồng dân cư, các chức sắc trong tôn giáo... để làm hạt nhân, chỗ dựa của nhân dân trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ các cấp trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ; Duy trì, đổi mới việc tổ chức Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ hằng năm với nội dung thiết thực, hình thức phong phú, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, điều kiện cụ thể của từng khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để thu hút nhân dân tham gia; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh.
Văn Tùng