Sở GD&ĐT triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023

14/01/2023 06:30

Chiều 13/1, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ GD&ĐT năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 359 trường mầm non và phổ thông, trong đó có 133 trường mầm non (110 trường công lập và 23 trường ngoài công lập); 91 trường tiểu học; 56 trường tiểu học và THCS; 54 trường THCS; 25 trường THPT. Tổng điểm trường lẻ còn đang sử dụng là 753, số điểm trường lẻ không sử dụng là 45. So với năm học 2021 - 2022, giảm 7 đơn vị sự nghiệp công lập (2 trường mầm non công lập, 4 trường tiểu học, 1 trường THPT do sáp nhập) và tăng 1 trường mầm non tư thục thành lập mới.

Toàn tỉnh hiện có 11 cơ sở đào tạo, gồm Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Trung tâm GDTX tỉnh, 8 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện; ngoài ra còn có 102 Trung tâm học tập cộng đồng. Hệ thống các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm giáo dục kỹ năng ngoài công lập tiếp tục được phát triển, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các loại hình học tập của người dân.

Năm học 2022 - 2023 số trẻ em, học sinh huy động ra lớp là 166.769, đạt 99,7% so với kế hoạch huy động và tăng 3.000 trẻ em, học sinh so với năm học 2021 - 2022.

Năm 2022, ngành GD&ĐT tỉnh đã chủ động sắp xếp, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị với tổng kinh phí 475.466 triệu đồng.

Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 189 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó 59 trường mầm non, đạt 44,4% (chỉ tiêu 44%); 66 trường tiểu học đạt 72,5% (chỉ tiêu 67%); 51 trường THCS, đạt 46,4% (chỉ tiêu 45%) và 13 trường THPT, PTDTNT, đạt 50% (chỉ tiêu 50%).

Công tác phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi được giữ vững và phổ cập THCS được duy trì. Tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 và mức độ 2 tăng. Số xã, phường, thị trấn và huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 được giữ vững. Công tác xây dựng xã hội học tập tiếp tục được quan tâm thực hiện...

Trong năm 2023, ngành GD&ĐT tỉnh đặt ra mục tiêu tổng quát tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận giáo dục của nhân dân, thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với nhà trường, nhà giáo và học sinh, sinh viên, đồng thời sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”; Kết luận số 51-KL/TW ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” (Nghị quyết số 29-NQ/TW) đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Triển khai có hiệu quả đổi mới chương trình và sách giáo khoa trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: ĐV

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn ghi nhận và biểu dương ngành GD&ĐT tỉnh trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức đặc biệt là ảnh hưởng kéo dài của tình hình dịch Covid-19, nhưng đã chủ động, linh hoạt triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, nhiều nhiệm vụ đạt và vượt so với mục tiêu đề ra.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, ngành GD&ĐT tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong tham mưu các cấp có thẩm quyền triển khai hiệu quả công tác quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp. Các đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp theo hướng tinh gọn; các cơ sở giáo dục ngoài công lập tiếp tục được phát triển, đồng thời từng bước nâng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cơ sở vật chất được quan tâm ưu tiên tăng cường, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục, từng bước khắc phục các khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí công tác đối với đội ngũ nhà giáo được quan tâm triển khai hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu từng bước nâng cao chất lượng dạy học ở các cấp, đáp ứng tốt yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 trên địa bàn tỉnh…

Đồng chí Chủ tịch tịch UBND đề nghị, trong năm 2023, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, đặc biệt là tập trung các giải pháp đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, phát triển các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở địa phương; tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; tập trung nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên; có giải pháp bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ, môn Tin học để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Trao kỷ niệm chương cho cán bộ, công chức ngành giáo dục và lãnh đạo một số địa phương. Ảnh: ĐV

 

Nhân dịp này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo” cho 14 cán bộ, công chức ngành giáo dục và lãnh đạo một số địa phương.

Đắc Vinh

Chuyên mục khác