11/08/2021 14:41
|
Dự phiên họp có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Dự phiên họp tại điểm cầu Kon Tum có đồng chí Dương Văn Trang- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ khóa XV nhận nhiệm vụ trong tình hình có những thuận lợi và khó khăn đan xen, đặc biệt là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, đe dọa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, tác động tiêu cực tới tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội.
Chính phủ khóa XV họp phiên toàn thể đầu tiên, cũng là phiên họp lịch sử, với quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. Phiên họp được tổ chức sau Đại hội XIII của Đảng và Kỳ họp thứ Nhất- Quốc hội khóa XV thành công rất tốt đẹp để triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Phiên họp sẽ tập trung thảo luận, thống nhất những vấn đề then chốt, quan trọng nhất trên các lĩnh vực của đất nước trong 5 năm tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm đóng góp cho sự thành công của phiên họp.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chính phủ khóa XV triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025.
Báo cáo nêu rõ, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều khó khăn và thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự giám sát của Quốc hội, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, những tháng đầu năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của cả nước đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 7 tháng đạt 67,9% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, nhất là cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu từ đầu năm tăng 30,2% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 10,5 tỷ USD, tăng 3,8%.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và tạo chuyển biến tích cực trong môi trường đầu tư, kinh doanh. Quốc phòng- an ninh được tăng cường; chủ quyền quốc gia được giữ vững...
Chính phủ đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới (2021-2025) với 23 chỉ tiêu, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.
Chính phủ xác định 6 quan điểm, định hướng và 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu giai đoạn 2021 – 2025. Đó là, quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết; kiên định mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, nhất là hạ tầng kinh tế và hạ tầng văn hóa, xã hội…
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá đây là phiên họp có ý nghĩa rất quan trọng, được chuẩn bị rất chu đáo về nhiều phương diện nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đồng chí Tổng Bí thư biểu dương Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã phối hợp nhịp nhàng, triển khai kịp thời các nghị quyết của Đảng khóa XIII và Quốc hội khóa XV. Điều này thể hiện tinh thần đoàn kết, trên dưới nhất trí đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò rất quan trọng của Chính phủ để biến chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng thành hiện thực.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, những tháng đầu năm, mặc dù kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra; sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng trở lại nhưng chưa vững chắc; đại dịch Covid-19 có thể còn tiếp tục kéo dài, diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu phát triển của đất nước. Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Quốc hội khóa XV đề ra, Chính phủ khóa XV cần tiếp tục kế thừa, phát huy tốt hơn, mạnh hơn những thành tựu của Chính phủ qua các thời kỳ đã đạt được, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành.
Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu cần tập trung xây dựng và phát triển mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thống nhất chính sách kinh tế với chính sách văn hóa, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tăng cường quốc phòng - an ninh, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chú trọng đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, mở rộng ngoại giao văn hóa, đối ngoại nhân dân, đóng góp tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.
Vấn đề xây dựng tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ là một trong những nhiệm vụ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý tại phiên họp.
Theo đồng chí Tổng Bí thư đây nhiệm vụ vô cùng quan trọng, then chốt có tính chất quyết định đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ. Vì vậy, Chính phủ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ, chính quyền các cấp cần quan tâm thực hiện tốt hơn nữa vấn đề này nhằm xây dựng tổ chức, bộ máy và cán bộ thực sự trong sạch vững mạnh; có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ, đạo đức lối sống và trình độ chuyển môn vững vàng; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
Tiếp tục chương trình làm việc, buổi chiều Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021, công tác phòng chống dịch Covid-19 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm.
Thùy Hương