Quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

14/05/2019 09:59

Ngày 13/5, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá và bàn các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi. Đồng chí Trịnh Đình Dũng - Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: TH

 

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên trong Ban chỉ đạo của tỉnh.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Quốc gia, thời gian qua, với việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh một cách quyết liệt của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi gây ra được giảm thiểu; các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn tập trung triển khai các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống; các địa phương triển khai giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm và các loài gia súc để bù đắp cho chăn nuôi lợn…

Tuy nhiên, dịch tả lợn Châu Phi là dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và chưa có thuốc điều trị cũng như vắc xin phòng bệnh nên dịch bệnh lây lan nhanh, diễn biến phức tạp. Trong khi đó, ở nước ta, mật độ chăn nuôi cao, chủ yếu nhỏ lẻ, vệ sinh thú y và an toàn sinh học không tốt, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh; việc vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh vẫn còn xảy ra; việc tổ chức tiêu hủy lợn bệnh và chống dịch tại một số nơi còn nhiều bất cập; công tác hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy ở nhiều địa phương còn chậm và chưa bố trí kinh phí phòng dịch; việc tổ chức vệ sinh sát trùng, tiêu độc chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh cũng chưa được chú trọng… Vì thế, đến nay, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố với tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là 1.220.488 con.

Ban chỉ đạo nhận định, thời gian tới, dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp, khả năng lây lan cao nên đã đề ra một số nhiệm vụ đối với các địa phương như: Chủ động phát hiện sớm, báo cáo, công bố dịch theo đúng quy định; tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết kịp thời, triệt để trong vòng 24 giờ; hỗ trợ kinh phí kịp thời, minh bạch, công bằng cho người chăn nuôi có lợn bệnh buộc phải tiêu hủy; nâng cao năng lực của hệ thống thú y các cấp để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, các bộ, ngành sẽ rà soát lại các văn bản để  bổ sung, ban hành văn bản mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để người dân nắm tình hình và chủ động phòng, chống dịch….

Đối với Kon Tum, tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện có là trên 92.800 con. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ phòng chống dịch như: Thành lập các đội phản ứng nhanh trong phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, trong đó chủ động xây dựng kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm khi có thông tin của cơ sở báo lên; tổ chức các đội kiểm tra lưu động để kiểm tra về công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ; triển khai tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng năm 2019. Tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động của đội liên ngành tại các Trạm Kiểm dịch động vật; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, phun hóa chất khử trùng tiêu độc; kiểm tra phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, tình hình dịch tả lợn Châu Phi đang diễn ra rất nghiêm trọng, khó lường. Do đó, yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với vai trò là cơ quan thường trực và các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện ngay các nhiệm vụ trọng tâm như phải xác định công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch; siết chặt tình trạng vận chuyển, buôn bán lợn, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; Ban chỉ đạo Quốc gia thường xuyên tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra tình hình phòng chống dịch bệnh ở các địa phương; đề xuất mức hỗ trợ sao cho phù hợp với tình hình thực tế; ban hành văn bản chỉ đạo về công tác giết mổ, tiêu thụ lợn trong những vùng dịch.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có giải pháp tái cấu trúc ngành chăn nuôi để tạo ra các sản phẩm an toàn, bù đắp lại cho ngành chăn nuôi lợn; phối hợp với các doanh nghiệp chăn nuôi, phân phối cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm; các địa phương phải huy động các lực lượng theo dõi, phát hiện sớm dịch bệnh, kiểm soát tốt việc tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết để hạn chế sự lây lan; chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các biện pháp phòng, chống dịch. Các cơ quan thông tấn báo chí đồng hành với các ngành, địa phương trong việc tuyên truyền, định hướng thông tin về dịch bệnh, góp phần bảo vệ sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng...

TH

Chuyên mục khác