16/03/2021 13:15
|
Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có lãnh đạo các bộ, ban, ngành.
Tại điểm cầu Kon Tum có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành của tỉnh.
Báo cáo tại Hội nghị của Tổ công tác nêu rõ, trong thời điểm đầu nhiệm kỳ của Chính phủ, thực trạng việc tổ chức thực hiện những nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao còn nhiều hạn chế, yếu kém; tình trạng nợ quá hạn nhiệm vụ chiếm tỷ lệ cao; kỷ cương của một số cán bộ, công chức không nghiêm, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân và doanh nghiệp đối với bộ máy công quyền và ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kỷ luật, kỷ cương hành chính. Do đó, công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giao phải được tăng cường, kiểm tra phải thực chất, quyết liệt, phương pháp, cách thức phải được thay đổi, bảo đảm tất cả các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang thực thi.
Từ đòi hỏi này, ngày 19 tháng 8 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1642/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong 5 năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, động viên kịp thời của Thủ tướng Chính phủ cùng với sự phối hợp tích cực của các bộ, cơ quan, địa phương, Tổ công tác đã hoạt động rất tích cực, hiệu quả, tạo ra những thay đổi quan trọng trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và trong công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Từ năm 2016 - 2021, Tổ công tác đã thực hiện 104 cuộc kiểm tra đối với 22 bộ và cơ quan ngang bộ, 2 cơ quan thuộc Chính phủ, 44 địa phương, 12 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Ngoài ra, Tổ công tác đã có 16 buổi làm việc với các cơ quan, Hiệp hội để lắng nghe, nắm bắt những khó khăn về cơ chế, chính sách và những rào cản hành chính mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Nhiều hạn chế, tồn tại của các bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra cơ bản được khắc phục; lãnh đạo quyết liệt hơn và sâu sát hơn trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ giao cũng như triển khai thực hiện các kiến nghị của Tổ công tác; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Đặc biệt, qua các cuộc kiểm tra, tinh thần, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được quán triệt, đôn đốc thực hiện; đưa các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành những kết quả cụ thể, đi vào cuộc sống; nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và nhiều khoảng trống pháp lý; nhiều vấn đề tồn tại, bất cập, dư luận quan tâm, bức xúc liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan địa phương; nhiều bất cập, yếu kém trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đã được phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục và xử lý kịp thời; tạo sự chuyển biến về về kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Tổ công tác trong thời gian qua, qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ghi nhận thành tựu, nỗ lực của Tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ dành tặng 8 chữ “Quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, thực chất”.
Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, Tổ công tác cần hoạt động thường xuyên hơn nữa; các nội dung kiểm tra cần đi vào thực chất hơn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ cũng như các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các thành viên Tổ công tác tiếp tục đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng giao; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo đã giao; những vướng mắc, bất cập về chính sách, thể chế để tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có biện pháp giải quyết, xử lý kịp thời.
Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các đồng chí bộ trưởng, lãnh đạo các ngành, địa phương nêu cao tinh thần tự giác, trách nhiệm hơn nữa trong thực thi công vụ, phối hợp tốt trong thực hiện nhiệm vụ chung; đồng sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức; quyết liệt trong hành động, không để tình trạng chậm trễ, nợ đọng văn bản, chồng chéo, vướng mắc trong thể chế chính sách, tiếp tục xây dựng nền thể chế hành chính minh bạch, hiện đại, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân – Thủ tướng Chính phủ lưu ý.
Thùy Hương