Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3

09/06/2022 16:27

Theo chương trình kỳ họp thứ 3, phiên chất vấn tại kỳ họp này được tổ chức trong thời gian 2,5 ngày, từ chiều 7/6 đến hết ngày 9/6/2022. Tại phiên chất vấn, Quốc hội đã chất vấn 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong đó Phiên chất vấn chiều 7/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời các vấn đề: Công tác tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; việc phối hợp xây dựng cơ chế chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản, giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát bình ổn giá các mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp; việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp; vấn đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm phát triển bền vững.

Phiên chất vấn sáng 8/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời các vấn đề: Tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo nghị quyết của Quốc hội; thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới; các biện pháp chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.

Phiên chất vấn chiều 8/6, Thống đốc Ngân hàng Việt Nam trả lời các vấn đề: Tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; việc phối hợp chính sách tài khóa về kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; cơ chế cấp hạn mức tín dụng hằng năm cho các ngân hàng thương mại; việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thực trạng và giải pháp phòng, chống tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng.

ĐBQH Trần Thị Thu Phước chất vấn tại kỳ họp thứ 3. Ảnh: HN

 

Tại Phiên chất vấn các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Trần Thị Thu Phước và Tô Văn Tám đã cùng 32 đại biểu Quốc hội cả nước phát biểu chất vấn và tranh luận.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước phát biểu chất vấn về việc Tây Nguyên có điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng rất thuận lợi, đây là điều kiện để phát triển các lĩnh vực như nông, lâm nghiệp và sản xuất dược liệu, chăn nuôi, du lịch. Tuy nhiên, hạ tầng Tây Nguyên chưa thuận lợi, nhất là về giao thông, logistic, nhân lực tại chỗ vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu số lượng, yếu kỹ năng. Trong khi đó, các yêu cầu từ thị trường ngày càng cao, đặc biệt với các yêu cầu liên quan đến phát triển bền vững, phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ có những giải pháp chiến lược nào để hỗ trợ các địa phương giúp các tỉnh chuyển từ tiềm năng thành thực tiễn. Chuyển từ phát triển tự phát nhỏ lẻ thành những địa phương gắn kết được vào các chuỗi giá trị lớn của sản xuất nông, lâm sản và hình thành những hệ sinh thái hay cụm liên kết ngành để tạo ra và đẩy mạnh các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của từng địa phương thay cho sự phát triển manh mún, trùng lắp, chồng chéo như hiện nay.

ĐBQH Tô Văn Tám chất vấn tại kỳ họp thứ 3. Ảnh: HN

 

Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu chất vấn và phát biểu tranh luận về việc giải quyết mối quan hệ giữa việc đẩy nhanh áp dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp với nguồn nhân lực có chất lượng cao trong điều kiện nông dân chúng ta là lao động chính và đang còn những hạn chế về việc làm chủ cũng như tiếp cận công nghệ hiện đại vào sản xuất. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để giải quyết tốt các mối quan hệ này trong yêu cầu đẩy nhanh việc áp dụng khoa học công nghệ vào trong lao động nông nghiệp?

Chiều 10/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Hồ Nam

Chuyên mục khác