01/11/2022 14:42
|
Theo ĐBQH Phạm Đình Thanh, chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai thực hiện toàn diện trên mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, đối với địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, qua công tác giám sát nổi lên các vấn đề đáng quan tâm đó là:
Công tác quản lý, trồng, bảo vệ, khai thác, kinh doanh từ rừng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, hiệu quả đạt được còn thấp. Tình trạng đất bị lấn chiếm, đất giao cho nông, lâm trường quản lý chồng lấn lên đất sản xuất nông nghiệp của người dân còn khá phổ biến. Việc bàn giao đất từ các công ty nông, lâm nghiệp về cho địa phương quản lý thực hiện còn chậm, diện tích đất đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng đất tương đối lớn. Báo cáo của Đoàn giám sát cũng đã nêu, qua giám sát trong cả nước, diện tích đất đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng là 79.670 ha, diện tích đất chưa có quyết định thu hồi của Ủy ban nhân dân và chưa có phương án sử dụng đất là 305.043 ha, như thế là rất lãng phí.
Về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên, trước hết là thuộc về trách nhiệm của các nông, lâm trường, các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, chính quyền các địa phương cùng với trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân do cấp trung ương chưa có cơ chế, chính sách đầy đủ hoặc một số chính sách quy định không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Ví dụ như về Dự án trồng rừng, dự án trồng rừng là dự án đặc thù bởi chu kỳ thời gian thực hiện dự án dài, phải chuẩn bị cây giống, xử lý thực bì từ năm trước, việc trồng rừng phải thực hiện theo mùa vụ. Tuy nhiên, hiện nay dự án trồng rừng phải tuân thủ đầy đủ các bước theo quy định của Luật Đấu thầu nên quá trình triển khai các bước để thực hiện dự án mất nhiều thời gian, dẫn đến tình trạng sau khi hoàn thành các thủ tục dự án thì có dự án không thực hiện được vì đã hết mùa mưa chuyển sang mùa khô, nếu tiến hành trồng rừng vào mùa khô thì khả năng cây trồng chết là rất cao và sẽ gây thất thoát, lãng phí rất lớn.
Chính sách hỗ trợ kinh phí cho các công ty lâm nghiệp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng tự nhiên phải đóng cửa rừng, theo Quyết định số 2242 ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực thi hành từ năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định mới để hỗ trợ các công ty lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng giai đoạn từ năm 2021 về sau, nên các đơn vị này đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức lực lượng quản lý, bảo vệ rừng.
Về chế độ chính sách đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Theo 5 nhóm nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 01 ngày 01/01/2019 của Chính phủ thì lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phải tiến hành công việc đầu tiên, trực tiếp, khó khăn nhất của công tác bảo vệ rừng; thường xuyên, liên tục chịu tác động của các điều kiện bên ngoài, chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, nhưng lực lượng này lại không được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức của ngành kiểm lâm nên đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, tình trạng viên chức, người lao động chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ việc xảy ra tương đối nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, đây là vấn đề cần báo động.
Từ thực trạng trên, ĐBQH Phạm Đình Thanh kiến nghị:
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần tăng cường giám sát việc quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường, các công ty, ban quản lý rừng, đặc biệt là giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 112 của Quốc hội khóa XIII về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng. Quốc hội, Chính phủ cũng cần xem xét có cơ chế đặc thù riêng, quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các dự án trồng rừng và chăm sóc, bảo vệ rừng.
Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm xem xét, ban hành quy định về việc tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các công ty lâm nghiệp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, phải đóng cửa rừng; tính từ thời điểm các chính sách hỗ trợ theo Quyết định 2242 của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực thi hành vào năm 2020. Bổ sung quy định và cho đội ngũ viên chức, người lao động chuyên trách bảo vệ rừng được hưởng các chế độ phụ cấp ưu đãi nghề như đối với công chức, viên chức ngành kiểm lâm và phụ cấp theo quy định về danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Ngoài ý kiến phát biểu tại hội trường, ĐBQH Phạm Đình Thanh cũng đã gửi Văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội 3 nội dung đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét: Sớm xem xét, thống nhất điều chỉnh giảm diện tích Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y theo Tờ trình số 4107/TTr-BKHĐT ngày 20/6/2022 Bộ Kế hoạch và Đầu tư; chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, sớm trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về Đề án bổ sung Khu công nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu tập trung tỉnh Kon Tum vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 2612/UBND-HTKT ngày 11/8/2022; xem xét cho chủ trương mở cửa khẩu phụ Hồ Le tại xã Ia Dal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum theo Tờ trình trình số 38/TTr-UBND ngày 30/3/3022 của UBND tỉnh Kon Tum.
Do thời gian phát biểu tại Hội trường theo chương trình phiên họp hết, nên ĐBQH Trần Thị Thu Phước đã gửi văn bản tham gia ý kiến cho Tổng thư ký Quốc hội với 3 ý kiến về việc cần đánh giá thêm về hiệu quả triển khai các giải pháp để tiết kiệm, chống lãng phí cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương; chú trọng quán triệt nâng cao nhận thức, giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm trong bộ máy nhà nước; sớm ban hành các quy định cụ thể để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Hồ Nam