Quốc hội thảo luận về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13

07/06/2022 13:00

Chiều 6/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, sau khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Đoàn ĐBQH Kon Tum tham dự Kỳ họp thứ 3. Ảnh: HN

 

Tại phiên thảo luận này, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Trần Thị Thu Phước và 16 đại biểu Quốc hội cả nước đã phát biểu tham gia ý kiến, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã phát biểu tiếp thu, giải trình.

Theo đại biểu Trần Thị Thu Phước, dự án đường Hồ Chí Minh là một dự án trọng điểm quốc gia, là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Dự án đường Hồ Chí Minh không những kết nối các tỉnh trong vùng với nhau, từng bước phát huy hiệu quả, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng và tăng cường được năng lực của tuyến đường huyết mạch nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ, Góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo tại các khu vực và địa phương. Từ khi có tuyến đường này đi qua việc khai thác tiềm năng, lợi thế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương dọc tuyến rất tốt. Rất nhiều tỉnh trồng mới hàng nghìn ha rừng, bảo vệ rừng và trồng hàng trăm ha cây công nghiệp như mía, chè, cao su và cây ăn quả… Ngày 9/1/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận đường Hồ Chí Minh là một di tích quốc gia đặc biệt. Với những kết quả đạt được rất lớn và có ý nghĩa như vậy đại biểu Trần Thị Thu Phước thống nhất cao và đồng tình với báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Đồng thời kiến nghị, đề xuất 3 vấn đề:

Thứ nhất, hiện nay trên nhiều tuyến đường và nhiều đoạn đường được đưa vào sử dụng khai thác trên 10 năm, 15 năm (giống như đoạn đường từ Kon Tum đi Quảng Nam), đa phần là đường bê tông. Do nguồn vốn bảo trì còn hạn hẹp nên một số mặt đường hư hỏng rất nhiều và chưa kịp thời sửa chữa. Như đại biểu Nguyễn Lâm Thành phát biểu, tuyến đường đèo Lò Xo có những đoạn đường khi mùa mưa sạt lở rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới việc đi lại của bà con và việc thông suốt tuyến đường Bắc - Nam. Do đó, đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải quan tâm đến kinh phí bảo trì, duy tu, bảo dưỡng.

Thứ hai, trong quá trình triển khai thực hiện dự án giai đoạn tiếp theo, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu chủ đầu tư phải tuân thủ trình tự, quy định của pháp luật và quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhằm đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng, hiệu quả và phòng ngừa sai phạm. Đồng thời, đối với dự án đường Hồ Chí Minh có quy mô rất lớn và diện tích sử dụng đất rất lớn, trải dài qua nhiều địa phương, do đó sẽ ảnh hưởng đến việc giải phóng đền bù mặt bằng đối với đất ở, đất sản xuất của bà con nhân dân. Cho nên đề nghị trong quá trình đền bù chúng ta phải làm sao thực hiện nghiêm túc việc đền bù cho người dân một cách thỏa đáng, tránh việc xảy ra khiếu kiện trong công tác giải phóng mặt bằng, gây mất an ninh, trật tự của địa phương và không để xảy ra vi phạm, sai phạm phát sinh vấn đề an ninh trật tự.

Thứ ba, trong quá trình triển khai cần quan tâm quỹ đất dành cho công tác đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn giao thông trên toàn tuyến.

Hồ Nam

Chuyên mục khác