22/06/2023 17:43
|
Tại phiên thảo luận này, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám đã cùng 31 đại biểu Quốc hội cả nước phát biểu, tranh luận. Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 3 ý kiến về vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS; vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Theo đại biểu Tô Văn Tám, vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là vấn đề luôn được người dân quan tâm, trong đó có một thực trạng là quy hoạch đã được lập, phê duyệt nhưng tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện được một số nội dung của quy hoạch. Việc thực hiện chậm này không chỉ là 5 năm, 10 năm, có khi là 20 năm và có khi còn lâu hơn nữa. Người dân vẫn thường gọi trường hợp này là quy hoạch “treo”. Quy hoạch “treo” không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội mà còn gây khó khăn, làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Những cư dân trong khu vực quy hoạch “treo” sống trong cảnh thấp thỏm, khổ sở, đi không được mà ở thì cũng không xong. Quyền lợi của họ không được coi trọng đúng mức. Sửa đổi Luật Đất đai cần có những quy định xác thực, rõ ràng, khả thi để xóa bỏ tình trạng này. Các quy định trong dự thảo tại Chương V đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng và để hoàn chỉnh thêm, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị:
Thứ nhất, nên bỏ tầm nhìn trong quy hoạch kế hoạch sử dụng đất tại Điều 62, bởi tầm nhìn chỉ mang tính ước lượng, dự báo mà dự báo thì có thể chính xác, có thể không chính xác, như thế cũng có thể đó là một tác nhân của quy hoạch “treo”. Người dân chỉ mong muốn nhà nước xác định rõ quy hoạch đất đai cụ thể là bao lâu và quyền lợi của họ như thế nào trong khu vực quy hoạch, việc bỏ tầm nhìn quy hoạch trong dự thảo luật là đáp ứng yêu cầu này.
Thứ hai, để đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch cần chỉnh lý, bổ sung thêm tại khoản 3, Điều 76 theo hướng khi quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và thực hiện các quyền của người sử dụng đất quy định tại Điều 38 của luật này và pháp luật có liên quan;...
|
Về trách nhiệm của nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS, tại Điều 17 của dự thảo khi xác định trách nhiệm của nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS thì có 2 chính sách, đó là chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cho cộng đồng đồng bào dân tộc và chính sách ưu tiên cho cá nhân đồng bào DTTS có đất sản xuất, đảm bảo sinh kế. Nhưng cả 2 chính sách này đều hướng đến bộ phận đồng bào DTTS thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo đại biểu Tô Văn Tám ở đây có 2 điểm cần chú ý:
Một là, tên điều luật chưa phù hợp với nội dung của chính sách, tên điều luật là trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS nhưng nội dung là chính sách cho bộ phận đồng bào DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, không phải bao trùm toàn bộ vùng đồng bào DTTS và các vùng khác, các vùng khác này cũng nghèo và cận nghèo do thiếu đất sản xuất.
Hai là, chưa rõ việc đảm bảo đất ở, đất sinh hoạt cho đồng bào DTTS theo hình thức nào? Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị chính sách đất đai của nhà nước tại điều này cần bao trùm vùng đồng bào DTTS, miền núi và Tây Nguyên đang sản xuất nông nghiệp, thực sự không có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất với hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất lần đầu đối với đất ở, đất sản xuất. Trường hợp vẫn giữ 2 khoản như điều này thì đề nghị bổ sung khoản 1 với nội dung là “nhà nước có chính sách để tạo điều kiện cho đồng bào DTTS có đất ở, đất sản xuất”, sau đó đến khoản 2, khoản 3 là cho vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
Hồ Nam