Quốc hội thảo luận Tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

08/01/2023 06:54

Ngày 6/1, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận ở Tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cùng 17 đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang và Tiền Giang thảo luận tại Tổ số 18.
Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tham dự Kỳ họp bất thường lần thứ 2. Ảnh: HN

 

Tại buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hùng, Trần Thị Thu Phước và Tô Văn Tám đã tham gia phát biểu 15 ý kiến.

Theo đại biểu Trần Thị Thu Phước, vấn đề an ninh nguồn nước tại khu vực Tây Nguyên thời gian tới sẽ là vấn đề rất nóng, ảnh hướng lớn đến đời sống của người dân. Trong khi đó, mục tiêu phát triển nông nghiệp tới năm 2030 tại khu vực Tây Nguyên là: “Nâng cao hiệu quả các diện tích cây công nghiệp, cây dược liệu, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế. Để thực hiện mục tiêu đó, cần có các giải pháp cụ thể để đảm bảo nguồn nước tưới cà phê, cây công nghiệp ở Tây Nguyên. Do vậy cần có định hướng cụ thể là sẽ đầu tư những hệ thống công trình thủy lợi lớn nào, hình thức và mức độ ra sao để có sự định hướng cụ thể trong phát triển thời gian tới.

Theo số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội, nước ta với 53 DTTS, có đến 68,5% hộ DTTS có nhu cầu cần thêm đất để sản xuất. Trong đó có nhiều nhóm dân tộc ở Tây Nguyên có trên 80% số hộ thiếu đất sản xuất”. Mặc dù Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với 5,93 triệu người, chiếm 6,0% dân số cả nước; Tây Nguyên cũng là vùng có mật độ dân số thấp nhất 107 người/km2. Như vậy, chúng ta có thể thấy một vấn đề mâu thuẫn, đó là Tây Nguyên có dân cư ít, đất rộng, người thưa, nhưng người nhiều nhóm đồng bào dân tộc thiểu số lại thiếu đất sản xuất. Bên cạnh đó theo Báo cáo, năm 2020 trong 6 vùng kinh tế - xã hội, Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ lao động trong độ tuổi thiếu việc làm cao nhất cả nước với tỷ lệ 5,20%, tăng nhanh so với mức 3,7% của năm 2010. Cả Tây Nguyên chỉ có 10 khu công nghiệp, trong các giai đoạn phát triển, giá trị công nghiệp của vùng vẫn có đóng góp thấp trong cơ cấu công nghiệp cả nước... Theo đại biểu vấn đề giải quyết đất sản xuất cho người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số trong điều kiện định hướng giảm đất sản xuất nông nghiệp (theo định hướng đến năm 2030, vùng Tây Nguyên giảm 4,30 nghìn ha đất nông nghiệp so với năm 2020) phải gắn với phát triển các ngành công nghiệp để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên. 

Hồ Nam

 

Chuyên mục khác