Quốc hội thảo luận Tổ về kinh tế - xã hội

24/05/2025 06:02

Sáng 23/5, các ĐBQH tỉnh tiếp tục tham gia thảo luận tại Tổ16 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước;...
Đồng chí U Huấn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Tổ trưởng chủ trì Phiên thảo luận. Ảnh: HN

 

Đồng chí U Huấn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Tổ trưởng chủ trì Phiên thảo luận.

Tại Phiên thảo luận, đại biểu Phạm Đình Thanh đã tham gia 3 ý kiến đối với các nội dung này:

Thứ nhất, trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập các tỉnh, thành phố, nổi lên vấn đề lớn đáng quan tâm, đó là vấn đề giao thông đi lại từ trung tâm tỉnh, thành phố mới (sau sáp nhập) đến tỉnh, thành phố hiện nay. Và, đi lại từ trung tâm tỉnh, thành phố mới (sau sáp nhập) đến địa bàn các xã trong tỉnh, với cự li rất xa, có nơi từ trung tâm tỉnh mới về đến xã xa nhất ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới có thể lên đến trên 300km. Trước thực trạng đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo rà soát và bố trí, hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh để đầu tư xây dựng mới và nâng cấp ngay các tuyến giao thông phục vụ đi lại, đảm bảo không làm gián đoạn, ảnh hưởng công tác lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ của các địa phương; cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ đối với các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới đang có nhu cầu rất lớn về xây dựng, hoàn thiện hệ thống giao thông thuộc trách nhiệm địa phương quản lý... nhưng do khó khăn về nguồn thu nên địa phương không có khả năng thực hiện, rất mong được Quốc hội, Chính phủ quan tâm xem xét hỗ trợ kịp thời.

Thứ hai, về chế độ chính sách cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng: Theo quy định tại Nghị định 01/2019/NĐ-CP và Nghị định 159/2024/NĐ-CP của Chính phủ, nhiệm vụ của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là rất nặng, phải tiến hành công việc thường xuyên, trực tiếp, khó khăn nhất của công tác bảo vệ rừng; làm việc ở địa bàn rừng núi và chịu trách nhiệm 24/24 giờ đối với diện tích rừng được giao quản lý... nhưng thu nhập của họ rất thấp và không được hưởng chế độ ưu đãi nghề của ngành kiểm lâm.

Qua khảo sát ở một số Ban quản lý rừng, khu bảo tồn và Vườn quốc gia trên ở các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, một nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng có thu nhập từ 4,5 đến 5 triệu đồng/tháng... đời sống rất khó khăn; trong những năm qua có nhiều người bỏ việc hoặc xin nghỉ việc nên đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đại biểu Phạm Đình Thanh phát biểu thảo luận ở Tổ đại biểu Quốc hội. Ảnh: HN

 

Từ thực trạng trên, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát và sớm bổ sung các quy định liên quan đến lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chưa được quy định rõ trong Nghị định 01/2019/NĐ-CP và Nghị định 159/2024/NĐ-CP như: vấn đề cơ cấu, tổ chức, bộ máy của Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; nhiệm vụ của lực lượng này trong việc điều tra, nghiên cứu, tham gia quản lý các hoạt động trồng rừng, khoanh nuôi, nuôi dưỡng rừng... phục vụ công tác phát triển rừng; đặc biệt là chế độ, chính sách về phụ cấp, về ưu đãi nghề, về bồi dưỡng hỗ trợ cho thời gian làm việc 24/24 giờ hằng ngày.

Về chế độ, chính sách, phụ cấp ưu đãi nghề, tiền bồi dưỡng hỗ trợ cho thời gian làm việc 24/24 giờ hằng ngày... đối với lực lượng này, cần phải tương xứng với công sức đóng góp và điều kiện làm việc rất khó khăn của họ, nhằm giúp cho họ ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, để phục vụ tốt cho yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiện nay.

Thứ ba, về một nội dung liên quan đến tỉnh Kon Tum, đó là việc giải quyết vấn đề người dân thuộc tỉnh Quảng Nam sinh sống trên đất tỉnh Kon Tum. Hiện nay, trên địa phận xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có 187 hộ (1.034 nhân khẩu) là người dân thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà Mi, tỉnh Quảng Nam cư trú, sinh sống.

Thời gian qua, hai tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc làm việc và có cả ý kiến tham gia của Bộ Nội vụ nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết xong. Đang tồn tại việc, tỉnh Quảng Nam quản lý về nhân khẩu; tỉnh Kon Tum quản lý về đất đai, địa bàn số dân này đang sinh sống. Do đó, chính quyền của cả 2 bên đều không thể đầu tư, hỗ trợ cho các hộ dân nêu trên, các hộ dân ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.Trong tháng 5/2024, tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đã có kiến nghị với đồng chí Trần Lưu Quang (lúc đó là Phó Thủ tướng Chính phủ) về vấn đề này; đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thời điểm đó cũng đã có ý kiến: Nếu các địa phương không thống nhất được thì Chính phủ sẽ xem xét giải quyết, tuy nhiên, vấn đề nêu trên đến nay vẫn chưa được giải quyết xong.

Hiện nay, theo đại biểu Phạm Đình Thanh nắm được thì tỉnh Kon Tum đã có Văn bản gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ, đề nghị giải quyết vấn đề này theo 1 trong 2 hướng: Một là đưa toàn bộ 187 hộ (1.034 nhân khẩu) này về cư trú, sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, tới đây là thành phố Đà Nẵng. Hai là cắt nhân khẩu của 187 hộ này chuyển về nhập khẩu ở tỉnh Kon Tum, tới đây là Quảng Ngãi để người dân sinh sống ổn định. Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, kết luận sớm đối với nội dung kiến nghị trên của tỉnh Kon Tum, để các địa phương tổ chức thực hiện dứt điểm việc này trong quá trình sắp xếp, sáp nhập tỉnh, thành phố sắp tới.

ĐBQH Trần Thị Thu Phước phát biểu sáng 23/5/2025. Ảnh: HN

 

Phát biểu tham gia Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024, sau khi đánh giá những kết quả đã đạt được và những tồn tại, thách thức, đại biểu Trần Thị Thu Phước đề nghị cần chủ động nghiên cứu và có giải pháp đối với các vấn đề:

Thứ nhất là vấn đề bạo lực và quấy rối trên cơ sở giới trong không gian mạng: Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin bên cạnh những lợi ích to lớn cũng đặt ra những nguy cơ mới về các hình thức quấy rối, bắt nạt, xâm hại trực tuyến, đặc biệt nhắm vào phụ nữ và trẻ em gái.

Thứ hai là vấn đề tác động bất bình đẳng giới của biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường: Theo đại biểu, phụ nữ đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, thường chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh do hạn chế về khả năng tiếp cận nguồn lực, thông tin và tiếng nói trong các quyết sách ứng phó.

Thứ ba là vấn đề về chính sách khuyến khích và hỗ trợ phụ nữ tham gia, nắm bắt cơ hội và vượt qua rào cản trong các ngành nghề công nghệ cao, kinh tế số, cũng như đảm bảo quyền lợi của lao động nữ trong bối cảnh tự động hóa và thay đổi cơ cấu việc làm: Đây là những vấn đề đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư nghiên cứu và xây dựng các chính sách, giải pháp ứng phó mang tính chiến lược, dài hạn.

Hồ Nam

Chuyên mục khác