Quốc hội thảo luận tổ Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

07/05/2025 10:02

Chiều 6/5, các ĐBQH tỉnh cùng các ĐBQH các tỉnh An Giang, Lai Châu và Hà Nam đã tham gia thảo luận tại Tổ 16 đối với Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Đồng chí U Huấn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên thảo luận.
 
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: HN

 

Các ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh và Tô Văn Tám đã cùng 6 ĐBQH của các Đoàn ĐBQH khác phát biểu ý kiến tham gia xây dựng luật.

Phát biểu tham gia ý kiến, đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất cao với chủ trương xây dựng ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đại biểu việc xây dựng ban hành dự án luật này là đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm tạo tiền đề, động lực mạnh mẽ để đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, nội dung giải thích từ ngữ tại Điều 3 đã cơ bản giải thích bao quát hầu hết các thuật ngữ chính trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà dự án luật hướng đến. Tuy nhiên, để việc giải thích từ ngữ đầy đủ hơn, giúp cho mọi đối tượng đều có thể tiếp cận, hiểu đúng ý nghĩa và áp dụng thống nhất trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung và giải thích rõ các nội dung có liên quan được sử dụng trong dự thảo luật nhưng chưa được giải thích như: Các từ ngữ, thuật ngữ về chuyển giao công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, ươm tạo khởi nghiệp sáng tạo,...

Về chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các chính sách tài chính đặc thù đối với doanh nghiệp hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như: cho phép doanh nghiệp khấu trừ thuế thu nhập đối với các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu phát triển và đầu tư công nghệ; ưu đãi thuế đặc biệt cho doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, để thực sự tạo ra các chính sách vượt trội đột phá, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn.

Về các chính sách đối với nguồn nhân lực dự kiến quy định tại các Điều 51, 52, 53, 55 và 76 dự thảo luật, theo đại biểu Phạm Đình Thanh nội dung tại các điều này mới chủ yếu tập trung đến việc thu hút, trọng dụng nhân tài khoa học, công nghệ, mà chưa quan tâm đúng mức đến việc tạo nguồn và phát triển bền vững nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo yêu cầu tại Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị. Do đó đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định phù hợp để cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, đó là “Có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hoá học, kỹ thuật và công nghệ then chốt, nhất là ở các trình độ sau đại học. Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng trên các lĩnh vực”.

Theo đại biểu Thanh, đây là chính sách hết sức cấp bách và thiết thực để xây dựng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ là người Việt Nam để đáp ứng bền vững cho yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Và theo đại biểu Phạm Đình Thanh, đây cũng chính là vấn đề cốt lõi để phấn đấu đạt mục tiêu: “Đến năm 2030 nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên1 vạn dân” đã được xác định tại Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 5 ý kiến đối với Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) về sự cần thiết phải sửa đổi luật; việc bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; nội dung quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân, cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia; những hành vi bị nghiêm cấm;...

Phát biểu kết thúc Phiên thảo luận, đồng chí U Huấn đề nghị Tổ thư ký tổng hợp đầy đủ ý kiến phát biểu của các ĐBQH gửi về Tổng Thư kí Quốc hội, Ban soạn thảo để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện các dự án luật này.

Hồ Nam

Chuyên mục khác