03/11/2022 09:16
Tại buổi thảo luận này, các ĐBQH tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh, Nàng Xô Vi, Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 9 ý kiến thảo luận.
|
Đối với Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), ĐBQH Phạm Đình Thanh đề nghị, xuất phát từ tầm quan trọng đặc biệt dự án luật cần phải được nghiên cứu xây dựng, bổ sung rất đầy đủ, chặt chẽ các nội dung có liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Về nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng dự kiến quy định tại Khoản 3, Điều 4 đại biểu đề nghị cần bổ sung và biên tập là “bảo vệ người tiêu dùng phải được thực hiện từ sớm và phải bảo đảm kịp thời, công bằng, minh bạch, đúnh pháp luật”. Theo đó, nội dung của dự án luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, của cá nhân trong việc giám sát, phát hiện, ngăn chặn hành vi sản xuất hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, nhất là đối với các loại hàng hóa như lương thực, thực phẩm mà người tiêu dùng sử dụng hàng ngày. Đưa các quy định này vào dự án luật để đảm bảo về mặt pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người dân trực tiếp giám sát, phát hiện, ngăn chặn hoặc kiến nghị ngay đến cơ quan chức năng để ngăn chặn việc sản xuất hàng hóa không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn với mục đích bảo vệ sớm và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo ĐBQH Nàng Xô Vi, khoản 11 Điều 3 Dự thảo Luật quy định “Người trung gian là cơ quan, tổ chức, cá nhân đại diện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc gửi, nhận hoặc lưu trữ một thông điệp dữ liệu hoặc cung cấp các dịch vụ khác liên quan đến thông điệp dữ liệu đó”. Tuy nhiên, trong toàn dự thảo không quy định về những nội dung có tính ràng buộc trách nhiệm của “người trung gian” đối với giao dịch điện tử và đối với các bên trực tiếp tham gia giao dịch điện tử, cũng như các nghĩa vụ liên quan đến bảo mật thông tin. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất trong quản lý giao dịch an toàn, tin cậy và bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ.
Tại khoản 1, Điều 9 Dự thảo Luật quy định: “Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, văn bản điện tử, tài liệu điện tử, chứng thư điện tử, chứng từ điện tử, hợp đồng điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác”. Tuy nhiên, dự thảo không có quy định nào giải thích cho cụm từ “chứng từ điện tử”. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo bổ sung và làm rõ cụm từ “chứng từ điện tử” để tránh nhiều cách hiểu khác nhau.
|
ĐBQH Tô Văn Tám phát biểu tham gia 3 ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) về phạm vi điều chỉnh của luật; không nên quy định yêu cầu người tiêu dùng phải mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện tiên quyết để giao dịch hợp đồng... Tham gia 1 ý kiến vào Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) về các quy định đối với các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Hồ Nam