23/05/2019 12:01
|
Tại phiên thảo luận này, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám và 18 đại biểu Quốc hội khác đã phát biểu và 5 đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận về phạm vi các quyết định của Tòa án trong thực hiện thi hành án hoặc việc hoãn thi hành án phạt tù; việc giải quyết những phạm nhân chết; vấn đề hỏa táng; chế độ học tập cho phạm nhân; cơ quan thi hành án trong việc thực hiện án treo, việc thi hành án, giám sát việc thi hành án treo; chế độ thăm gặp thân nhân, nhận đồ vật, tiền bạc; thời gian thi hành án tử hình; khen thưởng, xử lý những vi phạm; cơ sở pháp lý việc đưa lao động ra ngoài trại giam; việc tha tù trước thời hạn; quyền và nghĩa vụ của phạm nhân…
Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 3 ý kiến vào dự án luật này về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam; quy định con dưới 36 tháng tuổi theo cha, mẹ vào trại giam…
Theo đại biểu Tô Văn Tám, đối với nghĩa vụ của phạm nhân được quy định tại khoản 2 Điều 57 gồm có 5 nghĩa vụ, ngoài ra nghĩa vụ còn được quy định tại các điều khác nữa trong luật này. Do vậy, để tránh hiểu lầm rằng phạm nhân chỉ có 5 nghĩa vụ được quy định tại khoản 2, đề nghị bổ sung thêm một điểm ở khoản 2 này là “phạm nhân có nghĩa vụ khác theo quy định của luật này”.
Về việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam, khoản 3 Điều 33 quy định “trại giam có trách nhiệm phối hợp với cá nhân, tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động với các điều kiện và nguyên tắc cụ thể”. Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, quy định như vậy là phù hợp, nhưng để đảm bảo cho việc thực hiện tốt quy định này cũng như phát huy ý nghĩa của nó trong thực tiễn, đề nghị bổ sung thêm như sau:
Vấn đề thứ nhất, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam là nhằm mục đích cải tạo hay nhằm mục đích lợi nhuận. Theo như bản chất và nguyên tắc của hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự thì lao động phạm nhân nhằm mục đích giáo dục và cải tạo, như vậy mục đích của chúng ta xác định ở đây là giáo dục. Vấn đề đặt ra là có mâu thuẫn với mục đích của sản xuất kinh doanh là lợi nhuận không? Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của cá nhân và tổ chức là lợi nhuận thì liệu nó có mâu thuẫn không? Trường hợp này tôi cho rằng việc phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động thì chúng ta phải đồng hành cùng mục đích của doanh nghiệp là lợi nhuận. Nếu không có lợi nhuận chắc chắn họ không làm. Nếu như thế lợi nhuận là do kết quả lao động của phạm nhân mang lại thì phải trích một phần vào ngân sách nhà nước nhằm bù đắp phần nào ngân sách nhà nước bỏ ra các chi phí để xử lý hành vi phạm tội của họ để đảm bảo chi phí giam giữ, cải tạo họ. Chúng ta thống nhất như thế thì nên nghiên cứu bổ sung thêm nội dung trích nộp ngân sách vào Điều 34 của dự thảo luật.
Vấn đề thứ hai, lao động của phạm nhân là biện pháp giáo dục được áp dụng bắt buộc cho phạm nhân và cũng là nghĩa vụ của họ. Phạm vi địa điểm lao động được điều luật quy định và cơ quan, người có thẩm quyền quản lý trại giam trên cơ sở luật định đó tổ chức cho phạm nhân lao động mà không phụ thuộc ý chí của họ. Bởi vậy, quy định việc đưa phạm nhân lao động ra khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam có sự đồng ý của phạm nhân là không cần thiết. Do vậy, đại biểu đề nghị bỏ quy định đồng ý lao động ngoài trại giam tại khoản 4 Điều 33 mà chỉ cần quy định các trường hợp lao động như các điểm a, b, c khoản 4 là đủ.
Vấn đề thứ ba, liên quan đến đảm bảo an ninh trật tự khi tổ chức lao động ngoài trại giam cần nghiên cứu thêm các vấn đề như thời gian đi lao động bao lâu? Nếu thời gian lao động kéo dài thì việc học tập của phạm nhân sẽ ra sao? Điều kiện đảm bảo an ninh trật tự nơi sản xuất của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mà phạm nhân sẽ đến lao động. Những vấn đề này cần cân nhắc thêm...
Hồ Nam